(VOV5) - Quan điểm và chủ trương này tiếp tục được hiện thực hoá trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay.
Việt Nam đang trong tiến trình sáp nhập tỉnh/thành phố. Với đường bờ biển dài, việc sáp nhập tỉnh/thành phố có biển với tỉnh trên các lưu vực sông tương ứng, không chỉ khắc phục khó khăn trong quản lý, mà còn tạo điều kiện cho từng vùng phát huy đặc thù riêng về kinh tế, văn hóa, đặc biệt là mở rộng không gian phát triển kinh tế biển.
Nghe âm thanh tại đây:
Theo thống kê, cứ khoảng 1 km2 đất liền thì có gần 3 km2 vùng biển đặc quyền kinh tế. Cứ 100 km2 đất liền thì có 1 km chiều dài đường bờ biển. Hơn 114 cửa sông đổ ra biển từ đất liền và cứ 20 km đường bờ biển lại có một cửa sông lớn. Cùng với đó là hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ phân bố tập trung thành các cụm, tuyến đảo ở vùng biển ven bờ và hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Dân số ven biển gần 50 triệu người, chiếm khoảng 51% tổng dân số cả nước. Những đặc điểm này là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển mạnh và bền vững.
Cảng biển Quy Nhơn tọa lạc ngay trung tâm TP. Quy Nhơn (Bình Định), được xem là nhịp đập kinh tế của một vùng đất khi đóng vai trò là cửa ngõ giao thương của miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân/VTC News |
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Quan điểm và chủ trương này tiếp tục được hiện thực hoá trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay. Từ góc độ nhà nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, phân tích:
Tôi lấy ví dụ các tỉnh có đặc trưng rất giống nhau của vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Có những tỉnh rất lớn, không có biển, nếu được gắn với một tỉnh khác, thì tự nhiên việc điều phối kinh tế - xã hội của tỉnh mới ấy sẽ được thông suốt, có quỹ đất dồi dào, có dư địa để phát triển. Chính quyền có thể điều phối được nguồn lực đất đai, phát huy truyền thống văn hóa.
Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận cùng là 3 tỉnh có biển, đều xác định tập trung phát triển kinh tế biển, nhưng nhìn từ góc độ thu hút du lịch biển thời gian qua, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng 3 tỉnh này vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế vượt trội để bứt phá: Ba tỉnh chưa có những nét đặc trưng riêng, chưa tạo sự hấp dẫn cho du khách. Các tỉnh đều tổ chức rất nhiều sự kiện như nhau, cũng là bơi thuyền, cũng là lướt ván, cũng là du lịch biển, do vậy các sản phẩm du lịch như nhau thì khó có thể kích thích du lịch phát triển.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: VOV |
Đồng tình với nhận định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Công, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang, cũng cho rằng mục tiêu cuối cùng của việc sáp nhập là phải làm sao tạo thuận lợi tối đa cho liên kết trong vùng phát triển, phát huy được thế mạnh của từng vùng để từ đó tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn: Các điểm đến có nhiều nét tương đồng, sản phẩm du lịch thiếu sự khác biệt, không phát huy được lợi thế của từng địa phương. Nếu sáp nhập thành 1 vùng thì có thể phát triển mạnh, tránh sự chồng lấn về các sản phẩm du lịch. Sự liên kết là xu hướng tất yếu tạo nên sức mạnh tổng thể chung, từ đó giúp cạnh tranh với các điểm đến đẳng cấp thế giới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc lựa chọn phương án sáp nhập dựa trên nguyên tắc: Tận dụng lợi thế vùng miền, tôn trọng các giá trị cốt lõi, phát huy tính liên thông, tương tác giữa các đơn vị. Về bản chất, việc sắp xếp các tỉnh, thành phố trung ương (và cấp cơ sở) lần này là cách tiếp cận “tổ chức lại lãnh thổ” phục vụ cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh một “thế giới phẳng” với sự cự can thiệp ngày càng mạnh mẽ của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: Tín hiệu thời đại thúc đẩy chúng ta phải sáp nhập đó là thời đại công nghệ, thời đại số. Dưới thời đại số, khoảng cách gần như là biến mất và dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, chúng ta không cần phải ôm đồm, chia cắt quá nhiều các đơn vị hành chính, mà chỉ cần một nền quản trị hiệu năng hơn.
Với cách tiếp cận này, phương án sáp nhập tỉnh/thành phố có biển với tỉnh trên các lưu vực sông tương ứng sẽ mang lại hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất trong phát triển kinh tế biển Việt Nam. Việc sáp nhập sẽ khai thác được tính xuyên ranh giới của các vùng tự nhiên-sinh thái trong liên kết vùng, giúp thống nhất quản trị về mặt nhà nước đối với các đơn vị tỉnh ven biển mới sáp nhập, tạo không gian rộng mở, tự do và thu hút đầu tư nhiều hơn cho phát triển kinh tế biển trong thời gian tới.