(VOV5) - Quần đảo Trường Sa là nơi khơi dậy tinh thần yêu nước và giúp kiều bào hiểu sâu sắc hơn về vai trò bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tháng Tư, thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc, càng trở nên xúc động và ý nghĩa hơn với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những người con xa quê đang có hai hành trình lớn: một chuyến đến thăm nơi tuyến đầu Tổ quốc tại Trường Sa và Nhà giàn DKI và sự kiện trọng đại mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cả hai sự kiện đều là minh chứng cho sợi dây kết nối bền chặt giữa kiều bào và quê hương.
Bà con kiều bào từ nhiều quốc gia trên thế giới chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến công tác thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trường Sa - Nơi tình yêu Tổ quốc thêm sâu nặng
Trong tháng Tư năm nay, có khoảng 100 kiều bào và đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đại biểu thuộc các thành phần dân tộc, tôn giáo, nhân sỹ trong nước đồng hành trên "Chuyến tàu Đại đoàn kết" ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, dẫn đầu đoàn kiều bào, cho biết: “Trường Sa là nơi khơi dậy tinh thần yêu nước và giúp kiều bào hiểu sâu sắc hơn về vai trò bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chuyến đi là hành trình về nguồn và cũng là biểu tượng của sự gắn kết giữa kiều bào với Tổ quốc."
Những "Chiến sĩ Trường Sa" tại châu Âu luôn tích cực trong các hoạt động quyên góp, hướng về biển đảo Việt Nam. |
Mỗi kiều bào mang một phần trái tim đến Trường Sa
Với bà Cao Hồng Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa tại Ba Lan, các thành viên trong câu lạc bộ đã tích cực lên kế hoạch chuẩn bị quà tặng cho các chiến sĩ nơi đảo xa, thể hiện tình cảm sâu nặng với quê hương. Bà Cao Hồng Vinh chia sẻ: “Năm nay cũng như mọi năm sau khi thành lập đoàn công tác thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DKI, Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa tại Ba Lan đã tổ chức gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm những thông tin cần thiết cho chuyến đi. Mỗi lần như vậy cũng là dịp để các chiến sĩ Trường Sa cùng nhau ôn lại kỷ niệm của những chuyến đã đi trước đây. Đoàn kiều bào Ba Lan thăm Trường Sa năm nay gồm 4 anh chị em với mong muốn được mang tình cảm yêu thương ấm áp nhất của kiều bào tại Ba Lan tới các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, tới những người dân đang đóng góp sức mình xây dựng và bảo vệ đảo. Đoàn đã chuẩn bị những món quà tuy nhỏ nhưng mang nhiều tình cảm và ý nghĩa với những chiếc quạt tích điện và nhiều phần quà khác với mong muốn góp phần chăm sóc tốt đời sống của các chiến sĩ. Nhiều phần quà dành cho người dân, những em nhỏ cũng đã được chuẩn bị một cách chu đáo.”
Anh Lê Anh Đức, chuyên gia trí tuệ nhân tạo của Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Anh Lê Anh Đức, kiều bào Singapore, chuyên gia trí tuệ nhân tạo của Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là người đại diện cho 25.000 người Việt sinh sống tại Singapore tham gia trong chuyến đi đặc biệt này. Với giọng xúc động, anh Lê Anh Đức bày tỏ: "Thực sự đây là niềm tự hào khôn tả khi tôi được đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thân yêu. Đây là một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi mà bao thế hệ chiến sĩ đã đổ biết bao nhiêu xương máu để gìn giữ. Tôi cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết sự kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Tôi hy vọng trong chuyến đi sắp tới, tôi sẽ có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện và trao đổi với các chiến sỹ ở đó và đặc biệt trao những tình cảm của người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Singapore đến những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc”.
Thông qua các bài nói chuyện của các hội đoàn người Việt tại CHLB Đức, thế hệ thứ hai, thứ ba gốc Việt tại đây đang dần dần hiểu thêm về biển đảo Việt Nam. |
Kiều bào rộn ràng chào đón 50 năm thống nhất non sông
Cũng trong tháng Tư lịch sử này, hơn 300 đại biểu kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đang háo hức trở về Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện trọng đại này có 120 kiều bào vinh dự tham gia khối diễu hành và 200 đại biểu dự lễ trên khán đài.
Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu chụp ảnh chung với kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương" năm 2025.Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh đây là dịp để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện sự tri ân đối với những hy sinh của dân tộc và khẳng định vai trò gắn bó, đồng hành của kiều bào trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Ký ức tháng Tư - sợi dây kết nối vượt thời gian và không gian
Bên cạnh lễ kỷ niệm chính thức, kiều bào còn tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác, như: dâng hương tại Đền Bến Dược, thăm địa đạo Củ Chi, tri ân người có công và giao lưu giữa các kiều bào tiêu biểu.
Bà Bùi Thị Thu Minh, kiều bào CHLB Đức. |
Bà Bùi Thị Thu Minh, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Hội người Việt Nam tại CHLB Đức, chia sẻ những ký ức sống động về ngày đất nước thống nhất: "Vào thời khắc ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi vừa tròn 20 tuổi. Khi ấy, đất nước ta còn nghèo, ti vi cũng rất hiếm. Người người, nhà nhà những ngày gần đến ngày 30 tháng 4 đều hướng về các loa phóng thanh của khu phố, tiểu khu trên những cây cột điện hoặc các cây to để lắng nghe tin tức. Hoặc một số gia đình có những chiếc đài bán dẫn nhỏ bé, thì mọi người ngồi quây quần xung quanh chật cứng để theo dõi tin tức của bộ đội giải phóng quân đã vào đến đâu, đã chiếm được nơi nào. Đến khi thông báo chính thức của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo quân ta đã tiến vào Sài Gòn, tiến vào dinh Độc Lập. Niềm vui vỡ òa. Mọi người reo hò ầm mỹ và ôm chầm lấy nhau. Không khí hôm đó thật khó quên, xúc động, bồi hồi và đầy tự hào."
Dù cách Tổ quốc nửa vòng trái đất nhưng trái tim của những người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, cội nguồn. Từ những bước chân trên đảo Trường Sa đến những nhịp bước trong đoàn diễu hành ngày 30/4 lịch sử, kiều bào đang góp phần dựng xây một sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chặt, sợi dây của tình yêu, trách nhiệm và niềm tin vào một Việt Nam ngày càng vững mạnh và phồn vinh.