(VOV5)- Con trâu hiền lành nhẫn nại trong ký ức của tuổi thơ của Lê Đình Nguyên, đã trở thành bệ tì nghệ thuật cho người nghệ sĩ.
Trâu là con vật đã đi vào tiềm thức và văn hóa nông nghiệp Việt “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”. Nhiều nghệ sĩ trong giới mỹ thuật đã viết lên câu chuyện của riêng mình về trâu trong hội họa và điêu khắc. Thế nhưng “say trâu” đến nỗi theo đuổi hết mình các tạo hình trâu và coi đó như cái nghiệp phải kể đến nghệ sĩ Lê Đình Nguyên.
|
Tác phẩm Trâu áo tơi của Lê Đình Nguyên - Ảnh: Phạm Hà Hải/ Tạp chí mỹ thuật |
"Tôi làm nghệ thuật là tôi làm tôi"
Tâm hồn nghệ sĩ vốn đa cảm đã đúng, nghệ sĩ hay sống với những ký ức dù đẹp, dù buồn lại càng đúng hơn với nghệ sĩ Lê Đình Nguyên mà người bạn thân thiết, họa sĩ Lê Thiết Cương gọi với cái tên “Nguyên Trâu” nay đã được khán giả của anh gọi thành nghệ danh “Nguyên Trâu”. Triển lãm “Nguyên Trâu I”, rồi “Nguyên Trâu II” không hề cũ mà lúc nào cũng hừng hực những thăng hoa cùng nghệ thuật, mới thấy nghệ sĩ Lê Đình Nguyên trăn trở với hình tượng trâu đến nhường nào. Trong nhận xét của danh họa Thành Chương: “Lê Đình Nguyên yêu trâu đến mê man, bất tỉnh và như bị trâu nhập hồn…”. Cũng không lạ khi nghệ sĩ Lê Đình Nguyên đau đáu với trâu đến vậy. Con trâu hiền lành nhẫn nại trong ký ức của tuổi thơ của ông, đã trở thành bệ tì nghệ thuật cho người nghệ sĩ: “Người nghệ sĩ bao giờ cũng sáng tác trên tiềm thức ký ức đẹp đẽ nhất của cuộc đời để tì vào, chạm vào nó người ta thăng hoa, thì tôi chạm vào con trâu để tôi lục lại ký ức và sáng tác. Tôi không làm con trâu bốn chân mà tôi mượn hình ảnh con trâu để xả hết những cái tôi muốn làm. Tôi làm nghệ thuật là tôi làm tôi”…
|
Họa sĩ Lê Đình Nguyên (thứ hai, từ phải sang) cùng các nghệ sĩ bên tác phẩm “Trâu pháo” - Ảnh: Châu Xuyên/ Báo Quân đội nhân dân |
Những con trâu được chế tác bằng trúc, bằng tre, khoác lên mình chiếc áo tơi lá cọ, nối nhau tuần tự mà gợi nhắc nhiều đau đáu. Từng tạo hình trâu thân thuộc, kể về những câu chuyện giản dị mà đầy giá trị của người Việt. Và rồi “trâu cối xay” đi cùng lịch sử dân tộc, dẫn dắt người xem chiêm ngưỡng đàn “trâu xe” oai vệ, nhưng cũng thật nên thơ để nhắc nhớ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng “Chín năm làm một Điên Biên”: “Tôi đã dùng ba chiếc xe đạp thồ mà tôi và ông Thành Chương phải tìm từ thời Điện Biên. Trên cơ sở ba xác xe đạp thồ, tôi biến thành đàn “trâu xe”, nhưng lúc này khi ta đưa vào nghệ thuật nó không còn chở gạo, nhu yếu phẩm nữa mà chúng tôi biến thành Điện Biên của người Hà Nội, vì tôi là người Tràng An. Tôi quyết định biến đàn trâu xe thồ chở hoa cúc họa my ra chiến trường. Nó đi vào lịch sử, một trang sử rất đẹp bằng hoa. Bởi với người nghệ sĩ, nghệ thuật là phải thăng hoa”.
Thăng hoa cùng đàn trâu đi suốt chiều dài lịch sử
Đàn trâu ngay hàng thẳng lối chở những đơm hoa kết trái và hy vọng của hòa bình. Thế rồi những đàn “trâu bom”, “trâu đạn pháo” nối tiếp nói hộ người nghệ sĩ những ý niệm của lịch sử một thời. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi ám ảnh về bom mìn trên đất nước hòa bình bên trâu cày, trâu cấy vẫn nhức nhối. Nhưng đưa những “vật thể chết” vào nghệ thuật như vậy mà nhất là lại tạo hình con vật hiền lành như con trâu là một thử thách với người nghệ sĩ. Thử thách đầu tiên phải kể đến, đó là những khó khăn và sự kỳ công khi tìm kiếm vật liệu chế tác: “Với ý tưởng đàn trâu đi xuyên suốt lịch sử như vậy, tôi phải lặn lội đi tìm vật liệu nổ. Tôi đi vào trong Vinh, rồi Quảng Bình, Quảng Trị, Huế không mua được một vỏ đạn pháo, vỏ bom nào. Việc tìm kiếm rất khó khăn và tôi phải đi lần thứ tư để mua được vỏ bom, vỏ đạn pháo.”
|
Tác phẩm Gia đình trâu |
Ý tưởng tái hiện lại thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ với khát vọng hòa bình qua hình ảnh “trâu bom” là vậy, cất công tìm kiếm vật liệu đã thu được kết quả, nhưng nghệ sĩ Lê Đình Nguyên vẫn luôn đau đáu về hai chữ “thăng hoa”. Trên lưng những con “trâu bom” khiến người xem phải lạnh người, là hình ảnh những chú chim non điềm nhiên hót. Nhưng điều khiến hết thảy những ai chứng kiến bị choáng ngợp, phải kể đến hình ảnh mạ non mọc xanh rì trên lưng đàn “trâu bom”. Hai đối cực: hủy diệt và mầm sống tạo sự hài hòa và đắt giá vô cùng. Tất cả những sáng tạo nghệ thuật tưởng chừng như không thể ấy, nhưng lại có thể từ sự kỳ diệu của một giấc mơ: “Trong một giấc mơ tôi thấy trên lưng quả bom im lặng, nặng trịch có hai con chim, trên lưng của những quả đạn pháo có hoa, có mạ non nảy lên. Trong giấc mơ tôi nhìn thấy đầu cân rung rinh. Tôi đã vứt bỏ toàn bộ tạo hình đầu trâu thông thường và đi tìm cân cũ để chế tạo ra đầu trâu. Tôi không nghĩ ra được đâu, ám ảnh lắm. Đó là giấc mơ trời cho và hình như thần nghệ thuật, thần tự do đã mách bảo tôi.”
|
Tác phẩm Trâu bom và cân - Ảnh: Phạm Hà Hải/ Tạp chí mỹ thuật Việt Nam |
Khiêm nhường không tự nhận về mình những sáng tạo nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc, mà cho rằng đó là sáng tạo “trời cho”, sáng tạo của thần nghệ thuật. Thế nhưng, giấc mơ ấy không phải tự nhiên đến, giấc mơ là kết quả của những trăn trở khôn nguôi từng ngày, từng giờ của nghệ sĩ Lê Đình Nguyên.
Và rồi trâu đầu đàn mang tên “Trâu Nguyên” vẫn rong ruổi, vẫn vững chãi để nói về những khát vọng và sự chân thực của những giấc mơ nghệ thuật.