Độc đáo nghệ thuật hát Quan làng của người Tày ở Hà Giang

(VOV5) - Hát Quan làng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống. 

Mùa Xuân, mùa của đôi lứa se duyên thành vợ, thành chồng, qua những đám cưới đầm ấm, hạnh phúc. Với đồng bào dân tộc Tày, ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, đám cưới không chỉ là dịp để đôi lứa thành vợ chồng mà còn là dịp giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình với những bài hát Quan làng. Lời hát ví von được những vị Quan làng cất lên cùng những lời răn dạy và mong ước cho cuộc sống hạnh phúc cho cô dâu-chú rể.

Nghe âm thanh tại đây:  
Hát Quan làng là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể.

Nghệ nhân Hoàng Văn Biên, thôn Yên Trung, xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cho biết: "Tôi là đời thứ 3 trong gia đình được ông bà truyền dạy lại điệu hát Quan làng. Những nét văn hóa cổ truyền mà ông bà để lại cũng là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày là động lực để tôi học hát từ lúc 15 tuổi. Tôi học hát các làn điệu lúc đến nhà gái, từ lúc lấy nước rửa chân, lên thang, mở cửa vào nhà, rải chiếu, đốt đèn, mở gánh lễ thưa với nhà gái rồi xin tổ tiên rước cô dâu về nhà... Tôi đã lưu giữ các phong tục Tày qua các điệu hát."

Độc đáo nghệ thuật hát Quan làng của người Tày ở Hà Giang - ảnh 1 Hát Quan làng không thể thiếu trong đám cưới người Tày.
Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5

Những người hát Quan làng (tiếng Tày gọi là Pú Quan làng) cũng chính là những người làm nhiệm vụ thay mặt nhà trai mang trầu cau đến nhà gái để thực hiện từ nghi thức dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho đến khi đón dâu về.

Theo phong tục của đồng bào Tày, đoàn đón dâu nhà trai cũng như đoàn nhà gái đều phải gồm có: 2 ông, 2 bà Quan làng, chú rể, phù rể và những người bạn, người em của chú rể là những người gánh lễ vật. Quan làng được coi là người đại diện cao nhất của họ nhà trai cũng như nhà gái, thay mặt bố, mẹ và họ hàng ứng xử mọi việc.

Nghệ nhân Hoàng Văn Biên cho biết thêm: "Trước đám cưới, nhà trai phải tìm “ông đón”, người mang sính lễ sang nhà gái, là người có uy tín, gia đình hòa thuận, thành đạt trong cuộc sống... Nhà gái cũng phải chuẩn bị “bà đưa” để đối đáp từng tiết mục của nhà trai."

Các bài hát Quan làng có nội dung chỉ bảo lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống, mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. Hát Quan làng trong đám cưới truyền thống của người Tày thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về).

Nghệ nhân Hoàng Văn Biên cho biết trong hát Quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của Quan làng hai họ: "Lên nhà gái xong, mới trình lễ với tổ tiên, và hát bài tiếng Tày gọi là “Khay háp”, xong nhà gái đáp lại bài “Mời ăn cơm trưa” rồi mới làm thủ tục xin dâu. Qua 3 lần xin dâu mới xong. Chuẩn bị xin dâu thì mình đứng dậy xin phép nhà gái cho dâu xuống thang về nhà chồng. Tiếp đó, mình sẽ thưa với nhà gái đã đến giờ xin dâu. "Qua sự tìm hiểu của 2 cháu và 2 bên gia đình đã tìm được ngày lành, tháng tốt để làm lễ cưới. Hôm nay, tôi đại diện nhà trai mang lễ vật đến xin với nhà gái để xây dựng hạnh phúc cho 2 cháu."

Độc đáo nghệ thuật hát Quan làng của người Tày ở Hà Giang - ảnh 2Nghi thức trong một lễ cưới của người Tày. Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5

Lễ cưới của người Tày ở huyện Quang Bình cũng có nhiều tục, như: Tục căng dây chặn đường; tục xin trải chiếu; hát mời nước, mời trầu; lễ trình tổ nộp gánh; lễ dâng tiền; lễ xin đón dâu.... Ở mỗi tục, hát Quan làng được thể hiện một cách khác nhau.

Trong đó, điển hình là tục căng dây chặn đường (Hát để xưng danh, chào hỏi) trong lễ cưới, khi đoàn đón dâu của nhà trai đến ngõ nhà gái, nhà gái cho chăng dây qua đường, có nơi đóng cổng hoặc chăng dải vải rồi hỏi, chất vấn một số vấn đề liên quan đến họ nhà trai. Bên nhà trai phải hát đối cho hợp ý, hợp cảnh mới được nhà gái cho dỡ dây đi qua.

Bà Lý Thị Cọi, dân tộc Tày, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, cho biết: "Trong đám cưới của tôi, cũng hơn 10 năm rồi, điệu hát của ông Quan Làng lúc đón dâu rất ý nghĩa. Bài hát ca ngợi quá trình bố, mẹ chăm con từ nhỏ đến khi dựng vỡ, gả chồng. Nhà trai khi sang sẽ có lễ vật như đền đáp công ơn của cha mẹ bên nhà gái để cảm ơn."

Hiện nay, đám cưới của người Tày không còn nhiều hủ tục như xưa, chỉ giữ lại những tục lệ chính mang đậm nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Bà Nguyễn Thị Túc, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Quang Bình, cho biết: "Các hộ gia đình tìm hiểu rất kỹ phong tục, tập quán xa xưa của dân tộc mình để các trình tự trong đám cưới được thể hiện đúng. Hiện nay, huyện Quang Bình đã lồng ghép các chương trình của địa phương để phát huy các giá trị văn hóa của người Tày. Riêng với hát Quan làng, chúng tôi mở các lớp truyền dạy và đưa hát Quan làng vào dạy trong trường học, để các em học sinh hiểu được những giá trị của văn hóa dân tộc mình."

Hát Quan làng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống. Để phát huy các giá trị to lớn đối với đời sống đồng bào dân tộc Tày nói riêng, với kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam nói chung, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh việc phát triển, gìn giữ tục hát Quan làng. Đồng thời, Hội nghệ nhân dân gian tỉnh Hà Giang và huyện Quang Bình cũng đang tổ chức sưu tầm, tập hợp những tư liệu và sách cổ về hát quan làng trong nhân dân, để hát Quan làng sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác