(VOV5) - Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lâm Đồng nằm cạnh Quốc lộ 2 từ Thành phố Hà Giang lên Cửa khẩu Thanh Thuỷ.
Các bản làng của người Tày ở quanh thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Những nếp nhà sàn truyền thống mái lợp lá cọ được ôm ấp bởi những thửa ruộng bậc thang, trải dài tựa lưng vào núi… Những ngôi làng là điểm khám phá thú vị trong những ngày đầu Xuân, năm mới.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lâm Đồng nằm cạnh Quốc lộ 2 từ Thành phố Hà Giang lên Cửa khẩu Thanh Thuỷ. Nhìn từ trên cao, thôn Lâm Đồng thật thanh bình với những thửa ruộng xanh màu của lúa, của rau màu bao quanh các ngôi nhà sàn. Cách đây 11 năm (2014), thôn Lâm Đồng bắt đầu xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng. Con đường bê tông từ Quốc Lộ 2 đến Nhà văn hoá thôn với chiều rộng hơn 3 mét, chiều dài 500 mét, cùng các đường nhánh dẫn vào các hộ gia đình; khuôn viên của các gia đình được chỉnh trang… Đặc biệt là đồng bào nỗ lực gìn giữ các nếp nhà sàn truyền thống cùng các phong tục tập quán và các làn điệu dân ca, như: then, lượn, cọi…
Lâm Đồng là một làng quê Nông thôn mới đầy sắc màu ở Hà Giang. Ảnh: Báo Hà Giang |
Ông Mai Thanh Nam, Bí thư Chi bộ thôn Lâm Đồng, cho rằng vẻ đẹp dân dã, bình dị, cùng sự độc đáo về văn hóa của Lâm Đồng thu hút khách du lịch khi đến Hà Giang: "Phong tục tập quán luôn được giữ gìn. Khách nghỉ lại chúng tôi có đội văn nghệ để phục vụ. Đội văn nghệ chủ yếu hát các làn điệu dân ca dân tộc. Hoặc khách muốn đi trải nghiệm, làm các công việc cùng với đồng bào dân tộc, như là cùng ăn, cùng ở và cùng đi làm việc."
Cả thôn có hơn 200 hộ, thì có 15 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng, thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài nước tới nghỉ dưỡng, khám phá. Ông Đàm Quốc Hồi, Trưởng thôn Lâm Đồng, cho biết: "Hiện nay thôn đang xây dựng cọn nước, cối, nhà sàn truyền thống. Khách nước ngoài đến đây họ rất thích khám phá và trải nghiệm cùng với bà con xay lúa, cấy lúa, cày."
Mô hình Homestay của một gia đình ở thôn Thanh Sơn.
Ảnh: Báo Hà Giang |
Rời làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Lâm Đồng theo Quốc lộ 2 lên cửa khẩu Quốc gia Thanh Thuỷ, du khách sẽ đến thôn Thanh Sơn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Chị Trần Quỳnh Trang, Hướng dẫn viên du lịch ở Thành phố Hà Giang, chia sẻ: "Làng văn hoá du lịch thôn Thanh Sơn cách thành phố 15 km đây là một làng văn hoá dân tộc Tày có 76 hộ dân hiện tại đã thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm làng. Không chỉ có môi trường và không khí trong lành, nơi đây còn có nét đặc trưng của văn hoá ẩm thực và các làn điệu hát then, hát cọi".
Đến Thanh Sơn, du khách dễ dàng nhận thấy những nếp nhà sàn của người Tày thấp thoáng bên ruộng lúa, ngô xanh ngắt, những ao cá rộng trước nhà... Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những ngọn núi đá trùng điệp, những tán rừng phủ một màu xanh, những dòng suối chảy róc rách, những cánh đồng xanh mướt, không khí trong lành. Dạo đi trên những con đường liên thôn, du khách có thể bắt gặp những người dân đang đi làm đồng hoặc chăn trâu, cắt cỏ... tạo nên bức tranh đẹp, thanh bình của miền sơn cước.
Ông Nguyễn Văn Liền, Trưởng thôn Thanh Sơn, chia sẻ: "Khách nước ngoài đến đây đều cảm nhận ở trên này thoáng mát. Họ ăn uống cùng gia đình để tìm hiểu về phong tục".
Ngoài thăm quan, khám phá vẻ đẹp của Thanh Sơn, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, trong đó ấn tượng nhất là món ăn làm từ cá Bỗng. Cá Bỗng do đồng bào mang từ dòng sông Gâm, ở huyện Bắc Mê, về thả ở ao để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và du khách.
Anh Hoàng Văn Đáy, một chủ nhà hàng, cho biết cá bỗng nuôi hoàn toàn tự nhiên, phải mất 3-4 năm mới nuôi được một con cá có trọng lượng từ một cân rưỡi đến hai cân: "Cá Bỗng chủ yếu ăn bèo, lá sắn, lá chuối... như thế thịt cá mới thơm ngon, khi chế biến không bị nát. Cá Bỗng nướng, rất thơm ngon, cá mười mấy tuổi cơ, không như cá ngoài kia. Mỗi lần khách đặt gọi đến thì mới xuống ao bắt trực tiếp. Tất cả đồ ăn ở đây đều là tươi sống. Một con 3 kg, có thể làm được 6 món".
Ngoài chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Tày, khi đến các làng văn hoá du lịch cộng đồng tại các thôn của Hà Giang, du khách được nghe những lời ca, điệu múa dân gian do các nghệ nhân, các đội văn nghệ trong thôn biểu diễn. Hành trình khám phá những bản làng thơ mộng của người Tày ở Hà Giang vì thế mà trở nên hấp dẫn hơn.