Người nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống dân tộc Dao ở tỉnh Bắc Kạn

(VOV5) - Năm 2023, Lý Thị Quyên xuất sắc giành giải nhất của Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chị Lý Thị Quyên, người dân tộc Dao tại tỉnh miền núi Bắc Kạn là người đưa sản phẩm thủ công truyền thống thành hàng hóa giá trị kinh tế cao. Chị đã thành lập Hợp tác xã Thiên An, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương và góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đồng bào Dao đến với du khách trong và ngoài nước.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng vì nhiều lý do, chị Lý Thị Quyên gác lại ước mơ làm cô giáo mà gắn với nương rẫy ở quê nhà bản Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Nhận thấy trong bản có nhiều loại nông sản mà hằng ngày người dân vẫn chỉ trồng để ăn hoặc thi thoảng mới mang ra bán ở chợ huyện, chị Quyên có ý định phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Chị bàn bạc với một số chị em trong bản làm chuối sấy khô, bảo quản được lâu và giá bán lại cao hơn. Năm 2017, Hợp tác xã Thiên An do chị Quyên làm Giám đốc được thành lập. Chỉ 1 năm sau, chuối sấy của Hợp tác xã Thiên An đã có thương hiệu trên thị trường, được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cấp chứng nhận Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao.
Người nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống dân tộc Dao ở tỉnh Bắc Kạn - ảnh 1Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An (Bắc Kạn) bên những sản phẩm gối thảo dược do HTX sản xuất - Ảnh: Công Luận/VOV

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An, cho biết: "Quan niệm của những người dân sống ở đây thì họ mặc định rằng đối với dân tộc thiểu số thì phụ nữ sinh ra chủ yếu làm nương làm rẫy, không thể làm kinh tế được. Và hầu như không ai ủng hộ tôi về phát triển kinh tế cả. Thứ hai nữa khi dấn thân vào con đường làm ăn kinh tế, thì không còn thời gian để chăm sóc con cái cũng như quản lý việc gia đình nữa. Đối với bản thân tôi là người phụ nữ đơn thân, đang sống với bố mẹ già, cũng một mình nuôi con nhỏ cho nên con đường khởi nghiệp rất là khó khăn".

Sau thành công của sản phẩm chuối sấy, chị Quyên tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm một số sản phẩm, như: Bim bim chuối, mật ong, măng rừng… Tuy nhiên do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sản phẩm làm ra chưa nhiều, lại chịu sự cạnh tranh của thị trường nên doanh thu của Hợp tác xã chưa được như kỳ vọng. Sau nhiều trăn trở, suy tính, chị quyết định chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm từ dược liệu và thổ cẩm. Phát huy các bài thuốc quý của đồng bào Dao từ cây rừng, Hợp tác xã đã tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm, như: thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao dược liệu… Cùng với đó là hàng loạt các sản phẩm thổ cẩm, như: khăn quàng, mũ, khẩu trang, khăn trải bàn hay các loại váy áo dân tộc thêu tay, ga giường, gối ôm thổ cẩm… Đặc biệt, chị đã cùng bà con sáng tạo và cho ra đời sản phẩm gối dược liệu thổ cẩm, sản phẩm kết hợp giữa chất liệu vỏ gối thổ cẩm với ruột gối là các loại thảo dược, giúp xua tan mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ.

Người nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống dân tộc Dao ở tỉnh Bắc Kạn - ảnh 2Các chị từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và quảng bá, giới thiệu sản phẩm - Ảnh: Công Luận/VOV

Nhận xét về chị Lý Thị Quyên, ông Ngô Văn Hùng, Bí thư chi bộ bản Nà Ít, đánh giá: "Chị Lý Thị Quyên là phụ nữ trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm đã bước qua được khó khăn ban đầu. Dù ban đầu khó khăn, vất vả nhưng chị đã đưa được những sản phẩm dược liệu dân tộc Dao ra thị trường. Dân tộc Dao có nguồn dược liệu quý báu mà trước nay chưa khai thác được, tạo công ăn việc làm cho các thành viên Hợp tác xã Thiên An".

Để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, giữ được màu sắc tự nhiên vốn có, chị Quyên và Hợp tác xã mạnh dạn vay vốn để đầu tư hệ thống máy sấy lạnh; tham khảo trên mạng để lên ý tưởng thiết kế mẫu mã sao cho phù hợp xu hướng thị trường. Chị Quyên cũng thường tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, xúc tiến thương mại. Từ đó chị và các thành viên trong hợp tác xã đã biết cách sản xuất các video, livestream bán hàng, sử dụng các kênh mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm của Hợp tác xã Thiên An ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, được tiêu thụ tốt tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều khách quốc tế đón nhận.

Người nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống dân tộc Dao ở tỉnh Bắc Kạn - ảnh 3Các chị trong HTX Thiên An livestream giới thiệu sản phẩm - Ảnh: Công Luận/VOV

Mỗi tháng Hợp tác xã Thiên An cung cấp cho thị trường trên 200 sản phẩm thổ cẩm dược liệu, qua đó tạo việc làm ổn định cho 15-20 thành viên là người dân tộc Dao với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Lý Thị Chanh, thành viên Hợp tác xã Thiên An, cho biết: "Trước tôi ở nhà có làm may, nhưng thu nhập không ổn định, giờ làm cho Hợp tác xã của chị Quyên thì có thu nhập ổn định, việc làm thường xuyên và không phải đi làm xa, vẫn có thời gian chăm cho gia đình, con cái".

Đến nay, Hợp tác xã Thiên An của nữ Giám đốc Lý Thị Quyên đã có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Năm 2023, Lý Thị Quyên xuất sắc giành giải nhất của Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Chị Quyên đang ấp ủ kế hoạch mở rộng thị trường, không chỉ tiêu thụ sản phẩm trong nước mà còn ra các thị trường trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác