Quảng trường Đại Đoàn Kết: Biểu tượng đoàn kết các dân tộc Việt Nam

(VOV5) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp vào thăm Tây Nguyên, nhưng Tây Nguyên luôn ở trong trái tim Người.

Quảng trường Đại Đoàn Kết tọa lạc tại trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, còn được người dân địa phương gọi là quảng trường lớn. Quảng trường Đại Đoàn Kết là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của tỉnh Gia Lai, là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa và là biểu tượng đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

  Nghe âm thanh phóng sự tại đây:  
Quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng từ năm 2007, đến năm 2012 mới hoàn thành. Tại nơi đây tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, chính trị, thể thao… quan trọng. Quảng trường có 1 khu vực cây xanh với khoảng 1.800 cây xanh, 205 ô cỏ, 54 trụ đá gắn kết lại thể hiện cho 54 dân tộc anh em.

Đây là lời giới thiệu của ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, về quảng trường Đại Đoàn Kết.

Quảng trường Đại Đoàn Kết: Biểu tượng đoàn kết các dân tộc Việt Nam - ảnh 1Quảng trường Đại Đoàn Kết được khánh thành ngày 9/12/2012, có tổng diện tích 10,6 ha với nhiều hạng mục như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, dàn cồng chiêng… Ảnh: baodantoc.vn 

Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng hơn 12 ha. Quảng trường nằm trong quần thể hài hòa, gắn kết với các công trình: Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh Gia Lai; Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; tượng Anh hùng Núp; phiến đá khắc nội dung Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam” ngày 19/4/1946 tổ chức tại thành phố Pleuku…

Điểm nhấn ở chính giữa quảng trường là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cao 10,8m, đúc bằng đồng nguyên khối, đặt trên bệ đá cao 4,5m và có trọng lượng khoảng 16 tấn. Phía sau lưng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là phù điêu bằng đá cách điệu hình ảnh núi rừng Tây Nguyên trập trùng, hùng vĩ.

Quảng trường Đại Đoàn Kết: Biểu tượng đoàn kết các dân tộc Việt Nam - ảnh 2Nhà Rông ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Anh Nguyễn Hữu Hưng, một du khách ở tỉnh Quảng Nam, đến tham quan quảng trường Đại Đoàn kết, bày tỏ: "Tôi có tới tỉnh Gia Lai mấy lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên tới tham quan quảng trường. Quảng trường rất rộng và đẹp. Tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao và đẹp, đạt kỷ lục Việt Nam về bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh to nhất Việt Nam. Khuôn viên công viên tái hiện nét văn hóa dân tộc Tây Nguyên, như: nhà Rông, rượu cần, lễ hội cồng chiêng…"

Bên cạnh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Đại Đoàn Kết còn sở hữu một tác phẩm cũng đặc sắc không kém đó là bức phù điêu được xếp lại bằng 54 trụ đá bazan, thể hiện cho 54 dân tộc ở Việt Nam.

Tới tham quan quảng trường Đại Đoàn Kết, một nữ du khách ở Hà Nội, cảm nhận: "Đây là lần đầu tiên tôi đến tham quan quảng trường Đại Đoàn kết ở thành phố Pleiku. Tôi có ấn tượng là quảng trường rộng lớn như quảng trường Ba Đình lịch sử ở Hà Nội. Ở đây có hơn 200 ô cỏ xanh, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng, xung quanh dưới tượng là hình ảnh cảnh vật, thiên nhiên, con người của Tây Nguyên. Bên trong khuôn viên tôi ấn tượng với 54 khối đá gắn liền với nhau, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam đại đoàn kết. Trụ đá này được làm bằng đá bazan, loại đá đặc trưng của Tây Nguyên."

Quảng trường Đại Đoàn Kết: Biểu tượng đoàn kết các dân tộc Việt Nam - ảnh 3Bức phù điêu được xếp bằng 54 trụ đá bazan

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp vào thăm Tây Nguyên, nhưng Tây Nguyên luôn ở trong trái tim Người. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vô cùng kính yêu và biết ơn Người. Để thỏa tâm nguyện và thể hiện tình cảm, niềm tin son sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình quảng trường Đại Đoàn Kết đã được xây dựng và trở thành một địa danh kết tinh của văn hóa, lịch sử, chính trị không chỉ của Tây Nguyên mà còn cả đất nước Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác