Đưa quan hệ Việt Nam và Vương quốc Bỉ bước vào chặng đường phát triển mới

(VOV5) - Bỉ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam tại châu Âu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Bỉ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

 Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân, Nhà Vua Philippe  và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31/3 đến ngày 4/4/2025. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên sau hơn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, là dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa quan hệ hai nước bước vào chặng phát triển mới, với sự tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác được thúc đẩy thực chất, hiệu quả hơn. 

Việt Nam và Vương quốc Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao vào vào năm 1973. 45 năm sau (năm 2018), hai nước thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp. Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ duy trì và phát triển tốt đẹp.

Đưa quan hệ Việt Nam và Vương quốc Bỉ bước vào chặng đường phát triển mới - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn TTXVN

Sự coi trọng đặc biệt của Bỉ dành cho Việt Nam

Mỗi năm, Nhà vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ chỉ thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước tới một quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU), và năm nay, Việt Nam là lựa chọn. Việc Nhà Vua cùng Hoàng hậu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Hoàng gia Bỉ dành cho Việt Nam và vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ở chiều ngược lại, việc Việt Nam đón Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ tới thăm là một minh chứng sống động của việc triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Vương quốc Bỉ, đối tác quan trọng của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu.

Do tính chất đặc biệt của chuyến thăm, tháp tùng Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde có gần 150 đại biểu cấp cao, thành viên Hoàng gia, quan chức, doanh nghiệp... Đặc biệt, đoàn có sự góp mặt của 5 Bộ trưởng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Maxime Prevot; Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort; Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Elisabeth Degryse; Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Wallonia Adrien Dolimont và Bộ trưởng Brussels của chính quyền vùng Flanders Cieltje Van Achter.

Đáng chú ý, sự hiện diện đầy đủ của các vị Thủ hiến 3 vùng chính của Bỉ trong chuyến thăm Việt Nam, gồm: Flanders (nói tiếng Hà Lan), Wallonia (nói tiếng Pháp) và Brussels (Thủ đô, song ngữ), cho thấy sự đa dạng của đoàn cấp cao Vương quốc Bỉ cũng như mối quan tâm đặc biệt của Bỉ tới Việt Nam. Bên cạnh các quan chức, tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu còn có 34 giám đốc điều hành các công ty lớn nhỏ và 16 đại diện các trường học của Bỉ.

Với quy mô của đoàn, hai bên kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, ký kết nhiều văn bản hợp tác trong chuyến thăm, trong đó có các văn kiện cấp cao.

Mở ra những cơ hội mới trong hợp tác song phương

Việc Hoàng gia Bỉ lựa chọn điểm đến là Việt Nam cho chuyến thăm cấp Nhà nước thể hiện mong muốn củng cố và tăng cường mối quan hệ song phương hơn 5 thập kỷ với Việt Nam. Sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam như một con hổ châu Á mới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều công ty Bỉ.

Bỉ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam tại châu Âu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Bỉ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 4,45 tỷ USD. 100 dự án đầu tư của Bỉ tại Việt Nam có tổng số vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD trong các lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hậu cần và năng lượng tái tạo. Việt Nam đang nỗ lực phát triển bền vững với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trên hành trình đó của Việt Nam, Vương quốc Bỉ mong muốn đồng hành và hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, sạch và logistics thông minh.

Hiện nay, cả Việt Nam và Vương quốc Bỉ đều ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và tích cực tham gia, đóng góp vào các thể chế khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN và Liên minh châu Âu (EU).

Trong lịch sử, hai nước đều trải qua chiến tranh. Hai nước đồng cảm sâu sắc và có mối quan tâm chung về việc xử lý hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh. Hiện Vương quốc Bỉ đang hỗ trợ Việt Nam trong các dự án xử lý đất nhiễm độc, biến những vùng đất ô nhiễm thành khu vực có thể sử dụng cho nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng nhà ở. Trong chuyến thăm lần này, Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde dự kiến sẽ thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh, tham quan triển lãm về chất độc da cam/dioxin và gặp gỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Những hoạt động này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn tái khẳng định cam kết của Vương quốc Bỉ trong việc đồng hành cùng Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.

Cùng với đó, hai nước cũng chia sẻ tương lai chung và tương đồng mục tiêu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và tăng cường giao lưu nhân dân.

Những nội dung toàn diện và lịch trình đầy hứa hẹn cho thấy chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde không chỉ mang ý nghĩa ngoại giao, mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, khoa học, giáo dục và văn hóa, khởi đầu cho một tương lai mới trong mối quan hệ Việt Nam và Vương quốc Bỉ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác