Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương, coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống

(VOV5) - Với chủ đề “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”, Đại hội đồng IPU-150 kêu gọi thúc đẩy hợp tác đa phương để cùng vượt qua các thách thức toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), tại Cộng hòa Uzbekistan, thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Uzbekistan từ ngày 2-8/4.

Phát huy vai trò là thành viên tích cực của diễn đàn nghị viện đa phương, tham dự IPU-150, Việt Nam tiếp tục chủ động đóng góp, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra các sáng kiến để giải quyết những thách thức chung trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay. Đồng thời, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Armenia và Uzbekistan.

Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương, coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân sẽ tham dự IPU-150 tại Tashkent, thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia. Ảnh: quochoi.vn

Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Quốc hội Việt Nam trong năm 2025, có ý nghĩa đặc biệt trên cả bình diện đa phương và song phương.

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Nghị viện các nước sẽ cùng nhau rà soát, trao đổi, thống nhất hành động để phát huy vai trò của từng nghị viện thành viên trong việc xây dựng, giám sát thực hiện các chính sách pháp luật, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Kể từ khi trở thành thành viên của IPU từ năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm. Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ chế của IPU, từng đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 (2015) và Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (2023). Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam được Ban thư ký và các thành viên IPU coi trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thúc đẩy kết nối tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại diễn đàn IPU-150 lần này, Việt Nam cũng chuyển tải thông điệp về một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, với nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu, động lực của mọi chính sách phát triển.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Việc người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-150 lần này là minh chứng sống động cho thấy Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, coi trọng vai trò của IPU, cũng như tiếp tục khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của IPU."

Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương, coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Thúc đẩy hợp tác hữu nghị truyền thống với Armenia và Uzbekistan

Trên bình diện song phương, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia và cộng hòa Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam, cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam đến hai nước này kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Chuyến thăm mang ý nghĩa chính trị sâu rộng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với các nước bạn bè truyền thống; đặt nền móng cho việc mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan - Việt Nam, ông Alisher Rustamovich, cho rằng: "Chúng tôi rất vui mừng được chào đón chuyến thăm này, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Uzbekistan, cho thấy mối quan hệ của chúng ta đang tiến tới một cấp độ mới cao hơn. Quốc hội Việt Nam là cơ quan chính phủ quan trọng nhất, đóng vai trò chủ chốt trong đời sống chính trị của đất nước. Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội mở ra cơ hội rộng lớn cho sự phát triển hợp tác của hai nước trên nhiều lĩnh vực: chính trị, thương mại và đầu tư, văn hóa và giao lưu nhân dân."

Trong khi đó, với Armenia, Việt Nam duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực, luôn phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, khuôn khổ đa phương, trong đó có Liên hợp quốc và Cộng đồng Pháp ngữ. Về triển vọng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Suren Baghdasaryan, cho biết:

Chúng tôi kỳ vọng tiến xa hơn trên con đường hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng, như: công nghiệp công nghệ cao, thương mại, giáo dục, và giao lưu nhân dân. Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng của Armenia trong khu vực ASEAN. Chúng tôi hướng tới mục tiêu xây dựng một chương trình hợp tác nhằm đảm bảo sự thịnh vượng chung, an ninh, hòa bình lâu dài và thực hiện tầm nhìn chung về một Việt Nam và Armenia mạnh mẽ, độc lập, và phát triển bền vững.

Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương, coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống - ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Armenia tại cuộc hội đàm vào tháng 11/2024. Ảnh: quochoi.vn

Một yếu tố quan trọng là cả lãnh đạo và nhân dân 2 nước Armenia và Uzbekistan đều có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Đây là nền tảng vững chắc tạo sự tin cậy chính trị để Việt Nam và 2 quốc gia này tiến tới mục tiêu chung, thúc đẩy hợp tác song phương cùng có lợi, đem lại sự phát triển bền vững ở mỗi nước. Các kết quả hội đàm, gặp gỡ, trao đổi giữa Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các nhà lãnh đạo Armenia, Uzbekistan là bước tiến tiếp theo hướng tăng cường tình hữu nghị và hợp tác hiệu quả giữa hai nước thời gian tới.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự IPU-150 và thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan sẽ là dấu ấn đặc biệt, khẳng định cam kết cao của Việt Nam tại diễn đàn nghị viện đa phương, đồng thời khai thông hợp tác song phương với các nước bạn bè truyền thống trong khu vực Trung Á và khu vực Kavkaz.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác