(VOV5) - Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng trong ngắn hạn, một số lĩnh vực công nghiệp Mỹ có thể hưởng lợi nhờ chính sách thuế mới nhưng về lâu dài.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump, hôm 02/04, công bố áp thuế đối ứng với hơn 180 đối tác kinh tế của Mỹ trên toàn thế giới. Động thái này đang tạo nên các cú sốc lớn trên thị trường toàn cầu, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một nguy cơ bất ổn lớn đối với nền kinh tế thế giới.
Theo chính sách thuế mới của Mỹ, tất cả các đối tác kinh tế của Mỹ đều bị áp mức thuế cơ bản 10%, cộng thêm mức thuế đối ứng được tính toán cụ thể cho từng nền kinh tế, cao nhất lên tới 49%. Mức thuế đối ứng này dự kiến có hiệu lực từ ngày 09/04.
Cú sốc kinh tế toàn cầu
Hầu hết các đối tác kinh tế lớn của Mỹ đều chịu mức thuế cao. Cụ thể, Trung Quốc chịu mức thuế 34%, cộng thêm mức 20% mà Mỹ đã áp đặt từ tháng 3, nâng tổng mức thuế mà hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ phải gánh là 54%. Liên minh châu Âu (EU) bị đánh thuế 20%, Nhật Bản chịu mức 24%, Hàn Quốc chịu mức 26%. Đáng chú ý, nhiều nền kinh tế đang phát triển cũng chịu mức thuế rất cao, từ 30-49%. Sự thay đổi chính sách thuế của Mỹ ngay lập tức gây ra một cú sốc toàn cầu, thể hiện qua biến động dữ dội của các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới. Theo giới quan sát, việc Mỹ đánh thuế với gần như toàn bộ thế giới đánh dấu thay đổi chính sách thương mại lớn nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời có thể đẩy nhanh việc định hình một trật tự kinh tế mới khó lường hơn. Tuy nhiên, trước mắt, kinh tế thế giới có nguy cơ chịu các hậu quả kinh tế lớn. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, tuyên bố: “Thông báo của Tổng thống Trump về việc áp thuế với toàn thế giới là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới sẽ chịu hậu quả nặng nề, khi sự bất an lan rộng và kích hoạt hơn nữa chủ nghĩa bảo hộ. Người tiêu dùng toàn thế giới cũng sẽ bị tổn thương, hàng triệu công dân sẽ phải gánh hoá đơn hàng hoá lớn hơn”.
Chia sẻ lo ngại này, Giáo sư kinh tế Thomas Bridges từ Trường Đại học Delaware (Mỹ), cho rằng nền kinh tế thế giới hiện nay được cấu trúc dựa trên sự phân công lao động và chuyên môn hoá cao độ, theo đó mỗi nền kinh tế tập trung phát triển những lĩnh vực mà mình làm giỏi nhất và thông qua tự do thương mại để bổ trợ cho nhau. Do đó, việc chính quyền Mỹ áp thuế với gần như toàn bộ thế giới sẽ làm đảo lộn các nền tảng kinh tế toàn cầu mà các quốc gia, trong đó có Mỹ, đã góp phần tạo dựng trong nhiều thập kỷ qua: “Việc không dựng lên các rào cản thương mại giúp cho các nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn và xác lập được các nền tảng vững chắc hơn. Do đó, tôi lo ngại là nếu các mức thuế của Mỹ kéo dài thì sẽ có hậu quả đáng kể đối với các nền tảng của kinh tế toàn cầu”.
Cú sốc với chính nước Mỹ?
Không chỉ gây nên cú sốc toàn cầu, quyết định áp thuế đối ứng với hầu hết các đối tác kinh tế của Tổng thống Mỹ, Donald Trump cũng đang tạo nên không khí bất an trong chính nước Mỹ. Thị trường chứng khoán New York (NYSE) hôm 03/04 ghi nhận phiên giao dịch tệ hại nhất kể trong 5 năm qua, khi các chỉ số lớn (S&P 500; Dow Jones; Nasdaq) đều giảm từ 4-5,9%, các mức cao nhất kể từ thời điểm đầu năm 2020. Cú sốc này đã “thổi bay” hơn 2.500 tỷ USD giá trị vốn hoá USD trên sàn NYSE. Chuyên gia Maurice Obstfeld của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) cảnh báo: “Người dân Mỹ sẽ chứng kiến giả cả leo thang. Và theo cách được thiết kế, các mức thuế đánh mạnh nhất vào các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt lớn, tức là các quốc gia mà Mỹ thực sự thích hàng hoá của họ, hoặc cần hàng hoá của họ để sản xuất. Vì thế, người Mỹ sẽ phải trả giá cao nhất ở các hàng hoá mà người Mỹ cần hoặc thích nhất”.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York phiên ngày 3/4 - Ảnh: Reuters |
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng trong ngắn hạn, một số lĩnh vực công nghiệp Mỹ có thể hưởng lợi nhờ chính sách thuế mới nhưng về lâu dài, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong một số lĩnh vực (ô tô, năng lượng…) sẽ chịu ảnh hưởng khi giá nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị phụ trợ từ bên ngoài gia tăng. Việc đưa sản xuất trở lại nước Mỹ, một trong những mục tiêu lớn nhất mà ông Donald Trump nêu ra khi áp thuế đối ứng, cũng là dấu hỏi lớn bởi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn nhiệm kỳ của ông Donald Trump.
Do đó, giới quan sát cho rằng các mức thuế đối ứng mới chỉ là bước đi đầu tiên của chính quyền Mỹ trong việc ép các đối tác kinh tế đàm phán nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ, đồng thời đưa ra các nhượng bộ kinh tế lớn. Minh hoạ cho nhận định này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Howard Lutnick, hôm 03/04, cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ sẽ đàm phán với tất cả các đối tác thương mại lớn trên toàn thế giới về biện pháp giảm thuế quan mới được Mỹ công bố. Theo Bộ trưởng Lutnick, các nước sẽ phải thay đổi các quy tắc của mình để cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ hơn, nhằm giảm bớt tác động của các mức thuế này.