Vươn mình trong hội nhập quốc tế

(VOV5) - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm ngày 3/4 có bài viết nhan đề Vươn mình trong hội nhập quốc tế. Bài viết nhấn mạnh hội nhập quốc tế là chiến lược quan trọng nhằm củng cố vị thế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia, nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trên bản đồ thế giới. VOV5 trích giới thiệu những nội dung chính trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Vươn mình trong hội nhập quốc tế  - ảnh 1Tổng Bí thư Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ảnh: VGP

Trước hết, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, sự hội nhập và phát triển của đất nước luôn gắn liền với những biến chuyển của thời đại. Ngay từ những ngày đầu lập nước, trong bức thư gửi tới Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tinh thần là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, bày tỏ mong muốn "thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực". Đây có thể được coi là "bản tuyên ngôn" đầu tiên về cách tiếp cận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với cộng đồng quốc tế.

Hội nhập là tinh thần xuyên suốt trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tư tưởng “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” được Đảng cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo trong 80 năm qua, luôn gắn cách mạng Việt Nam với trào lưu tiến bộ của thời đại và sự nghiệp chung của nhân loại. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam xác định muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các quốc gia khác, trong đó hội nhập quốc tế là hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế. Nói cách khác hội nhập quốc tế là “đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại”, gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới. Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương hội nhập quốc tế, trước là hội nhập kinh tế, sau là hội nhập toàn diện để khơi thông, mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia, đưa Việt Nam hội nhập vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế. Sự ra đời của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá”, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới.

Giải pháp quyết liệt cho hội nhập quốc tế thời kỳ mới

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển. Cùng với "tinh thần đổi mới" về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Nghị quyết số 18; "tư tưởng đột phá" về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Nghị quyết 57; định hướng về hội nhập quốc tế là "cẩm nang hành động" của Nghị quyết 59 sẽ tạo nên "bộ ba chiến lược" trong trọng tâm "Ổn định lâu dài - Phát triển bền vững - Đời sống nâng cao" do Đảng đã vạch ra.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, các yêu cầu, nhiệm vụ, cơ hội, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế cần được phổ biến, quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hội nhập kinh tế phải được xác định là trung tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số.

Việt Nam sẽ tập trung vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, ưu tiên huy động nguồn lực cho những lĩnh vực, dự án then chốt như của hạ tầng chiến lược về giao thông, về năng lượng như đường sắt tốc độ cao, đường cao tốc, hệ thống cảng biển, sân bay; nhà máy điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời; giảm phát thải và trung hòa carbon để tránh lãng phí và đạt hiệu quả cao, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Việt Nam cũng cần tận dụng hiệu quả các cam kết, thỏa thuận, liên kết kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới, để tăng cường đan xen lợi ích, không để phụ thuộc vào một số ít đối tác. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm đẩy mạnh thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi, quan trọng, như: công nghệ thông tin, viễn thông, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Cùng với đó, hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng phải hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm lực, vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Với thế và lực mới, Việt Nam có thể vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong những lĩnh vực phù hợp; đóng góp tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn quốc tế; đa dạng hóa hợp tác quốc phòng, an ninh, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Trong bối cảnh hiện nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được xác định là đột phá quan trọng hàng đầu. Do đó, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải hướng tới việc đưa các chuẩn mực, quy định về khoa học, công nghệ trong nước tiệm cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến.

Việt Nam cũng sẽ phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, đẩy mạnh việc rà soát, nội luật hoá pháp luật quốc tế để thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả các nghĩa vụ, cam kết quốc tế. Các tổ chức, đoàn thể phải tăng cường giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và các cam kết về hội nhập quốc tế.

Cuối cùng, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Việt Nam phải bắt nhịp với sự vận động của thế giới, tìm ra con đường mang lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển và xây dựng vị thế cao hơn, vững chắc hơn cho đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác