Tròn 3 năm xung đột Ukraine: Hé mở cơ hội hoà bình

(VOV5) - Dù tất cả các bên đều mong muốn hoà bình trở lại với Ukraine, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là hoà bình này đạt được theo cách nào? 

Xung đột tại Ukraine, cuộc xung đột vũ trang lớn nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới II, tròn 3 năm vào hôm 24/02. Dù các cuộc giao tranh trên chiến trường vẫn tiếp diễn khốc liệt, hy vọng về một thoả thuận hoà bình, chấm dứt xung đột đang lớn hơn bao giờ hết nhờ xung lực từ chính quyền mới tại Mỹ.

Xung đột Ukraine bùng phát ngày 24/02/2022, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tạo nên biến động an ninh và địa chính trị lớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ, đồng thời tác động sâu rộng đến các mối quan hệ quốc tế.

Tròn 3 năm xung đột Ukraine: Hé mở cơ hội hoà bình - ảnh 1Quân nhân Ukraine trú dưới một con hào. Ảnh: AFP/TTXVN

Bước ngoặt cho hoà bình

Ba năm sau ngày bùng phát, cuộc xung đột gây ra các hậu quả nặng nề về con người và kinh tế cho các bên liên quan, đặc biệt là Ukraine. Tính đến hết năm ngoái, nhiều tổ chức tài chính-kinh tế lớn ước tính số tiền mà Ukraine phải bỏ ra để tái thiết đất nước sau khi xung đột chấm dứt lên tới gần 500 tỷ USD, do nền kinh tế nước này đã huỷ hoại nghiêm trọng, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp và năng lượng. Hàng triệu người Ukraine cũng đã rời bỏ đất nước đi lánh nạn. Về phía Nga, gánh nặng của xung đột và các lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng gây sức ép lớn lên nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đối với châu Âu và thế giới, tác động nghiêm trọng nhất của xung đột tại Ukraine là nguy cơ thường trực về một thảm hoạ an ninh toàn cầu, khi mức độ leo thang của xung đột ngày càng khốc liệt.

Tuy nhiên, vào thời điểm tròn 3 năm bùng phát, xung đột tại Ukraine cũng đang ghi nhận những bước ngoặt quyết định, có thể thúc đẩy các bên tiến gần hơn bao giờ hết đến một thoả thuận hoà bình. Xung lực đến từ chính quyền mới tại Mỹ. Chưa đầy 1 tháng sau khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Mỹ, Donald Trump, hôm 12/02, đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga, Vladimir Putin để khởi động các đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Đến ngày 18/02, hai phái đoàn ngoại giao cấp cao Mỹ-Nga hội đàm tại Ryiadh (Saudi Arabia) và nhiều khả năng nguyên thủ Mỹ-Nga sẽ sớm trực tiếp đối thoại trong vài tuần tới. Không chỉ thay đổi toàn diện cách tiếp cận với Nga, Tổng thống Mỹ, Donald Trump còn xem việc giải quyết xung đột Ukraine là ưu tiên hàng đầu hiện nay và khẳng định sẽ gây sức ép để Nga-Ukraine phải đối thoại.“Tôi nghĩ Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky sẽ phải nói chuyện cùng nhau. Bởi vì chúng tôi muốn chấm dứt việc hàng triệu người thiệt mạng. Do đó, tôi muốn có một lệnh ngừng bắn, muốn có một thoả thuận và tôi nghĩ chúng tôi có cơ hội làm được điều đó”.

Để thúc đẩy thoả thuận, chính quyền Mỹ một mặt đàm phán trực tiếp với Nga nhằm tái định hình toàn bộ quan hệ song phương, mặt khác gây sức ép, buộc Ukraine phải chấp nhận một số nhượng bộ, cả về kinh tế và an ninh.

Đối với châu Âu, chính quyền Mỹ cũng yêu cầu khối này gánh vác trọng trách an ninh chủ đạo, thông qua việc tăng chi tiêu quốc phòng và xây dựng kịch bản đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột. Theo giới quan sát, Mỹ đặt ra mục tiêu rất tham vọng là giải quyết được xung đột Ukraine trước Lễ Phục sinh năm nay vào cuối tháng 4.

  Bài toàn khó với châu Âu

Dù tất cả các bên đều mong muốn hoà bình trở lại với Ukraine, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là hoà bình này đạt được theo cách nào? Việc Mỹ-Nga gạt Ukraine và châu Âu ra khỏi các cuộc đàm phán đầu tiên, cùng với sức ép từ Mỹ đối với Ukraine về thoả thuận khoáng sản 500 tỷ USD, đang tạo nên không khí bất an trên toàn châu Âu, đồng thời đặt ra thách thức về sự đoàn kết và năng lực của các nước châu Âu trong vấn đề Ukraine.

Trong tuần trước, các nước châu Âu đã liên tiếp tiến hành hai cuộc họp Thượng đỉnh tại Paris (Pháp), với sự tham dự của Anh, nước đã rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016 và Canada, thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bắc Mỹ, nhằm thảo luận cách thức ứng phó với các diễn biến hiện nay. Tuy nhiên, cả hai cuộc gặp đều không thu được kết quả đáng kể, đồng thời các nước châu Âu tiếp tục chia rẽ quanh việc ủng hộ hay không cách tiếp cận mới của chính quyền Mỹ với xung đột Ukraine.

Bài toán khó nhất với châu Âu đến trong tuần này, khi Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh, Keir Starmer đến Mỹ để thuyết phục Tổng thống Mỹ, Donald Trump ủng hộ chiến lược an ninh của châu Âu, trong đó trọng tâm là việc Mỹ đưa ra các bảo đảm an ninh cho kịch bản triển khai binh lính giữ gìn hòa bình của châu Âu đến Ukraine, nếu các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, theo chuyên gia Philip Golub, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Mỹ ở Paris, khả năng châu Âu thuyết phục được ông Donald Trump là không cao. “Chính quyền Mỹ tin rằng châu Âu luôn chỉ là tay chơi hạng 2 trong nền chính trị thế giới và vấn đề cốt lõi với Mỹ là quan hệ giữa các siêu cường, tức giữa Mỹ với Trung Quốc, với Nga. Đó là cách ông Donald Trump và chính quyền Mỹ hiện nay nhìn nhận thế giới. Do đó, họ có thể nghe ông Macron nhưng sẽ không có nhân nhượng đáng kể nào trước các đòi hỏi của châu Âu. Tôi không nghĩ chuyến đi này sẽ tạo nên thay đổi lớn nào tại Washington”.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Armida Van Rij, Giám đốc Chương trình châu Âu tại Viện Chatham House (Anh), cho rằng những diễn biến gần đây khẳng định xu hướng không thể đảo ngược về việc Mỹ rút dần các cam kết an ninh với châu Âu và tiến trình giải quyết xung đột Ukraine sẽ là phép thử lớn nhất đối với châu Âu trong việc liệu khối này có thể tự đảm đương trọng trách bảo vệ an ninh và lợi ích của châu lục này hay không, hay sẽ chấp nhận bị gạt sang một bên trong các diễn biến hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác