Nghị quyết 57: Cú hích cho doanh nghiệp công nghệ chuyển mình

(VOV5) - Với các doanh nghiệp công nghệ nhỏ, Nghị quyết 57 cũng được ví như luồng gió mới, tạo cơ hội để họ tham gia vào các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ.

Các doanh nghiệp công nghệ trụ cột đóng vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, trong đó xác định “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là đột phá quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Các công ty công nghệ đón nhận, hưởng ứng tích cực, đưa ra cam kết và sẵn sàng nhập cuộc, triển khai bằng những hành động cụ thể.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết, tinh thần hưởng ứng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt.

Sẵn sàng với thời cơ mới

Tập đoàn Công nghệ FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, thời gian qua đóng vai trò nòng cốt trong công tác đồng hành cùng Chính phủ thu hút đầu tư bán dẫn vào Việt Nam, liên kết xuyên biên giới, đa quốc gia; đưa lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, dịch vụ chuyển đổi số của Việt Nam ra thế giới. Với Nghị quyết 57, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ FPT, khẳng định: "Chúng tôi rất háo hức tham gia trong các chương trình của Nghị quyết. Chúng tôi cam kết, thứ nhất là trở thành Tập đoàn công nghệ số tầm cỡ toàn cầu, đạt 5 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài vào năm 2030. Thứ hai, hiện FPT có khoảng 1.500 sinh viên đang học về ngành công nghệ bán dẫn, chúng tôi sẽ đào tạo ra 10.000 kỹ sư bán dẫn, đào tạo 50.000 kỹ sư trí tuệ nhân tạo và cung cấp kỹ năng, kiến thức về trí tuệ nhân tạo cho khoảng nửa triệu kỹ sư công nghệ thông tin".

Tự tin cho rằng Việt Nam có thể vươn lên vị trí số một ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi, ông Trương Gia Bình khẳng định vài thập kỷ tới, thế giới sẽ cần Việt Nam và Nghị quyết 57 với nhiều đột phá chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, thực sự là cú hích cho các doanh nghiệp như FPT chuyển mình.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính, đặt mục tiêu góp sức đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong Đổi mới sáng tạo tại khu vực, tạo ra nền kinh tế số tự chủ và bền vững. Thời gian qua, Tập đoàn này đã có chiến lược phát triển rõ ràng và sự chuẩn bị, như: Chiến lược chuyển đổi AI (C.OpenAI); Xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực. Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra tháng 1 vừa qua, ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ xây dựng một Trung tâm R&D (Trung tâm nghiên cứu và phát triển) về đổi mới sáng tạo lớn nhất. Đất thì chúng tôi đã mua rồi, cách đây 3 năm, nhưng thủ tục đến nay vẫn chưa xong. Tôi nghĩ là với Nghị quyết 57, các thủ tục pháp lý được đẩy nhanh để sớm triển khai dự án".

Tập đoàn VNPT cam kết đến năm 2027 sẽ làm chủ các mô hình GenAI Make in Viet Nam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu. Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ có các thiết bị 5G tiên tiến, đến năm 2030 là có các thiết bị 6G đầu tiên cung cấp thương mại. Đồng thời, ngay trong năm nay hoàn thành đề án về xây dựng một nhà máy chip bán dẫn trình Chính phủ, tạo đà đến năm 2030, sẽ có nhà máy sản xuất chip bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam.

Với các doanh nghiệp công nghệ nhỏ, Nghị quyết 57 cũng được ví như luồng gió mới, tạo cơ hội để họ tham gia vào các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ, từ đó thúc đẩy thị trường nội địa sôi động hơn, xây dựng thương hiệu mạnh quốc gia về công nghệ để tạo đà tiến sâu vào thị trường quốc tế. Đặc biệt, có cơ chế đột phá để tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng. Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty công nghệ TMA, cho rằng: "Chúng tôi mong muốn có những chính sách, giải pháp đột phá để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí. Thứ hai là giúp cho các doanh nghiệp có nguồn lực dồi dào. Chúng ta hiện nay có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và công nghệ số rất là dồi dào và chất lượng tốt. Tuy nhiên, những công nghệ mới như là bán dẫn như là trí tuệ nhân tạo thì còn thiếu rất là nhiều".

Điểm tựa để doanh nghiệp mạnh dạn khai phá ý tưởng và hướng đi mới

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết số 57 được ví như “một luồng gió mới” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số. Điểm đáng chú ý nhất là từ chỗ phải sử dụng các giải pháp của nước ngoài, vẫn chưa có nhiều các sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Việt Nam, Nghị quyết 57 giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi dành kinh phí 2% GDP. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển các giải pháp thông minh hơn phục vụ cho tất cả các ngành, các lĩnh vực, ứng dụng vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, không thể thiếu những doanh nghiệp toàn cầu mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57 đã truyền cảm hứng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ mạnh dạn khai phá ý tưởng và hướng đi mới trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đón đầu cơ hội. Nghị quyết 57 chính là điểm tựa của các doanh nghiệp để họ tự tin cùng đất nước đi vào kỷ nguyên mới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác