Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được triển khai quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Nhiều cán bộ lãnh đạo thuộc Ban Đảng, Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Huyện ủy chủ động xin nghỉ công tác trước tuổi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đây là yếu tố quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức tại nhiều cơ quan, đơn vị.
Thực tiễn quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị đang nhận được sự đồng thuận cao và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn xã hội.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chúc mừng các cán bộ được nhận quyết định nghỉ công tác trước tuổi, chờ hưởng chế độ hưu trí. Ảnh: VGP |
Sức lan tỏa chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Thực hiện chủ trương của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, những ngày qua, nhiều cán bộ, công chức từ cấp xã, phường đến sở, ngành ở Hà Tĩnh đã chủ động đề xuất nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. Bên cạnh chính sách vượt trội của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư, qua đó tạo động lực để các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhanh và hiệu quả.
Trong khi đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp cũng tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi. Tính đến nay, số cán bộ xin nghỉ hưu của tỉnh đã lên tới 300 người.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại một cuộc thảo luận khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VOV |
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, qua tổng hợp sơ bộ, có gần 300 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh tự nguyện xin nghỉ công tác, hưởng các chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc, trong đó có Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phúc Yên và nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành…
Ở cấp TW, mới đây nhất, kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và các nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dấu mốc lớn, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: baophapluat.vn |
Phát biểu khi thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: "Chủ trương của Đảng về tình gọn, sắp xếp bộ máy được các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ và tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh, rất tốt. Tôi nghĩ đây là những chủ trương rất đúng và cũng là mong đợi rất lâu rồi của người dân. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy này không phải là để tiết kiệm tiền, đấy chỉ là một phần. Cái quan trọng nhất là tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước để đưa đất nước phát triển.
Cùng với thực hiện tinh gọn bộ máy, các cơ quan, đơn vị sau tinh gọn đang khẩn trương triển khai công tác theo mô hình, tổ chức mới. Những cơ quan được hợp nhất bảo đảm kế thừa tốt nhiệm vụ của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã kết thúc hoạt động, không để gián đoạn công việc. Song song với đó là việc khẩn trương xây dựng quy chế làm việc hoặc rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của cơ quan, từng đơn vị trực thuộc trong mỗi cơ quan để bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ mới...
Tiếp tục tinh gọn trong thời gian tới
Kết quả về tinh gọn, sắp xếp, tổ chức bộ máy hiện nay xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó quyết tâm chính trị của lãnh đạo, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm, đóng vai trò then chốt. Nhìn lại quá trình cải cách, từ năm 2017, Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (Nghị quyết số 18) nhằm tinh giản, sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chính vì vậy, với sự lãnh đạo quyết liệt hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đã đồng lòng triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Dựa vào những kết quả tích cực ban đầu, Kết luận của Bộ chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, đề cập việc nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới. Đồng thời định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh…
Cũng theo Kết luận này, Bộ Chính trị sẽ tổ chức 19 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm việc với 69 đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phải giữ được những cán bộ có năng lực, không để "chảy máu chất xám".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: "Việc tinh gọn bộ máy không đơn thuần là cắt giảm số lượng mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Cần tránh hiểu nhầm giữa "tinh giản" và "tinh giảm", bởi mục tiêu không phải là giảm người theo chỉ tiêu cơ học, mà là giữ lại những cán bộ có năng lực, nhiệt huyết. Mỗi địa phương cần có quy định cụ thể để rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo trọng dụng nhân tài. Chỉ khi thực hiện đúng tinh thần này, bộ máy mới thực sự tinh gọn, với đội ngũ cán bộ chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Thực hiện tinh gọn bộ máy được coi như một cuộc cách mạng. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chủ trương tinh gọn để đáp ứng nhu cầu phát triển.