(VOV5) - Dự Thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris là các quốc gia được Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đánh giá là “có nguyện vọng và có năng lực” đóng góp cho cấu trúc an ninh tương lai châu Âu.
Lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu hôm 17/02 họp Thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris, Pháp, nhằm tìm kiếm giải pháp ứng phó với nguy cơ mất đi các bảo đảm an ninh từ Mỹ cũng như việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris được tổ chức chỉ 1 ngày sau Hội nghị an ninh Munich (14-16/02), nơi các nước châu Âu liên tiếp nhận các cú sốc, từ việc bị gạt ra ngoài lề các cuộc đàm phán Mỹ-Nga về chấm dứt xung đột tại Ukraine đến việc bị các quan chức cấp cao Mỹ chỉ trích nặng nề và đe dọa từ bỏ các cam kết đảm bảo an ninh cho châu Âu, vốn được duy trì từ sau Thế chiến II.
Thời đại mới của châu Âu
Dự Thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris là các quốc gia được Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đánh giá là “có nguyện vọng và có năng lực” đóng góp cho cấu trúc an ninh tương lai châu Âu, bao gồm: Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch (đại diện cho các nước Baltic) và Anh, quốc gia đã rời EU từ 2016. Ngoài ra, Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mark Rutte, cũng tham dự.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Điện Elysee, Paris, ngày 17/2. Ảnh: Reuters |
Theo giới quan sát, các lãnh đạo châu Âu bước vào cuộc họp tại Paris với 3 “thực tế mới” phải đối mặt từ sau Hội nghị an ninh Munich, gồm: Mỹ và châu Âu không còn chia sẻ những giá trị chung vốn là nền tảng của quan hệ đồng minh liên Đại Tây Dương từ năm 1945; châu Âu không còn có thể dựa vào ô an ninh của Mỹ; kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine của Mỹ không tính đến vai trò của châu Âu.
Do đó, châu Âu phải nhanh chóng thay đổi toàn diện về nhận thức, đồng thời xây dựng được kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm giữ được tiếng nói, trong không chỉ vấn đề Ukraine, mà còn trong việc định hình cấu trúc an ninh mới của châu lục này.
Kết thúc cuộc họp, dù nội dung chi tiết các thảo luận không được công bố nhưng các lãnh đạo châu Âu đều khẳng định châu Âu đã bước vào một thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử. Thủ tướng Anh, Keir Starmer tuyên bố: “Đây là thời điểm chỉ đến một lần trong cả một thế hệ đối với an ninh tập thể của châu Âu. Trong thời điểm này, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã bước vào một thời đại mới mà không níu kéo một cách vô vọng vào sự thoải mái trong quá khứ. Bây giờ là thời điểm để châu Âu gánh vác trách nhiệm cho an ninh của châu lục”.
Đồng thuận lớn thứ hai mà các nước châu Âu đạt được là việc tăng chi tiêu cho quốc phòng. Ngay trước thềm Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã kêu gọi các quốc gia thành viên nới lỏng các quy định về ngân sách theo hướng ưu tiên cho chi tiêu quốc phòng, đồng thời điều chỉnh Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của EU, qua đó vận dụng quy định “thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP” một cách linh hoạt hơn. Tính đến cuối năm ngoái, ngân sách quốc phòng của các nước EU là trên 320 tỷ euro (335 tỷ USD) nhưng theo bà Ursula von der Leyen, con số này phải cao hơn đáng kể.
Đây cũng là điều được Tổng thư ký NATO, Mark Rutte đề cập nhiều lần trước đó: “Các nước châu Âu trong NATO cần phải chi cho quốc phòng nhiều hơn. Nếu chi chưa đủ thì cần phải tăng số đóng góp, có thể là gần mức 3% GDP. Hiện tại, tôi chưa có con số chính xác nhưng chúng tôi sẽ tính toán dựa trên thực tế, trên các dữ liệu cũng như quy trình xây dựng năng lực. Điều rõ ràng là nếu cứ như hiện nay thì châu Âu sẽ không đạt được mục tiêu về an ninh và sẽ không an toàn trong 4-5 năm tới”.
Bảo đảm an ninh ra sao cho Ukraine?
Là một trong những nguyên nhân buộc các nước châu Âu họp Thượng đỉnh khẩn cấp ở Paris, vấn đề châu Âu tham gia như thế nào vào tiến trình giải quyết xung đột tại Ukraine cũng được thảo luận nhưng không ghi nhận kết quả đáng chú ý. Trong phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các nước châu Âu thống nhất trong việc không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào mang tính ép buộc với Ukraine. Tuy nhiên, đối với việc châu Âu đóng góp ra sao vào việc đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai khi không phải là một bên trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán Mỹ-Nga về Ukraine, các ý kiến còn nhiều mâu thuẫn.
Tuyên bố của Thủ tướng Anh, Keir Starmer về việc Anh sẵn sàng đưa quân đến Ukraine để đảm bảo an ninh nếu có thỏa thuận được đón nhận một cách thận trọng. Phía Ba Lan luôn phản đối ý tưởng này khi cho rằng Ba Lan đã có đủ gánh nặng khi phải đảm bảo an ninh sườn Đông của NATO.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: TTXVN phát |
Trong khi đó, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz thì cho rằng việc thảo luận một kịch bản như thế vào thời điểm này là không thích hợp: “Việc thảo luận điều này vào lúc này là quá sớm và hoàn toàn sai thời điểm. Tôi thậm chí là có chút khó chịu với các thảo luận này. Mọi người đang nói về những kịch bản khác nhau mà bỏ qua Ukraine, đang nói về những kịch bản đàm phán hòa bình còn chưa diễn ra và Ukraine còn chưa nói có đồng ý hay không, có tham gia hay không. Điều này là không phù hợp và nói thật là hiện tại chúng ta hoàn toàn không biết kết quả sắp tới sẽ ra sao”.
Theo bà Daniela Schwarzer, chuyên gia chính trị và thành viên lãnh đạo Viện Bertelsmann Stiftung (Đức), châu Âu sẽ gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng được kế hoạch hành động chung về đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong trường hợp Mỹ-Nga đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột, do các nước châu Âu vẫn chịu phụ thuộc quá lớn vào Mỹ, cả về chính trị lẫn an ninh. Chuyên gia này nhận định một số nước, như: Italia, Hungary, Ba Lan có quan hệ tốt với chính quyền của Tổng thống Mỹ, Donald Trump và không muốn châu Âu theo đuổi các chính sách mới khiến quan hệ Âu-Mỹ thêm rạn nứt, trong khi các nước Đức, Pháp đã công khai phản đối nhiều chính sách mới của Mỹ.
Vấn đề lớn khác là châu Âu chưa có năng lực quốc phòng đủ mạnh để tự mình đảm đương nhiệm vụ giám sát và gìn giữ hòa bình tại Ukraine, nếu kịch bản này diễn ra. Thủ tướng Anh, Keir Starmer, người ủng hộ mạnh nhất cho ý tưởng đưa lực lượng quân đội châu Âu đến Ukraine sau khi chấm dứt xung đột, thừa nhận nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, kế hoạch của châu Âu sẽ không thể thực hiện. Do đó, Thủ tướng Anh cho biết ông sẽ tới Mỹ cuối tuần này để thuyết phục Tổng thống Mỹ, Donald Trump không từ bỏ các cam kết đối với Ukraine và an ninh của châu Âu