(VOV5) - Cuộc đàm phán tại Ryiadh cho thấy cả Mỹ và Nga đều đánh giá cao việc nối lại các tiếp xúc trực tiếp sau một thời gian dài hai nước rơi vào tình trạng đối đầu cao độ.
Quan hệ Nga – Mỹ đang có những bước chuyển biến đáng chú ý. Việc các quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ và Nga, hôm 18/02, có cuộc đàm phán đầu tiên tại Ryiadh (Saudi Arabia) kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine tháng 2/2022 là sự kiện bước ngoặt, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai cường quốc, đồng thời có thể tác động mạnh mẽ đến cục diện chính trị và an ninh quốc tế hiện nay.
Hai phái đoàn Mỹ và Nga đàm phán tại Cung điện Diriyah, Riyadh, Saudi Arabia vào ngày 18/02 - Ảnh: Reuters |
Được tổ chức chưa đầy 1 tuần sau cuộc điện đàm hôm 12/02 giữa Tổng thống Mỹ, Donald Trump và Tổng thống Nga, Vladimir Putin, cuộc đàm phán tại Ryiadh cho thấy cả Mỹ và Nga đều đánh giá cao việc nối lại các tiếp xúc trực tiếp sau một thời gian dài hai nước rơi vào tình trạng đối đầu cao độ.
Khung quan hệ mới
Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov cho biết trong thông điệp đầu tiên gửi đến nhau tại đàm phán, cả ông và Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio đều nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đối thoại với nhau khi lợi ích quốc gia của các bên không tương thích, thay vì để sự bất đồng vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành đối đầu. Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio cũng cho rằng sự tin tưởng là nền tảng quan trọng nhất để bắt đầu mọi việc và ông rời cuộc gặp tại Ryiadh với niềm tin rằng cả Mỹ và Nga đều thực sự nghiêm túc trong ý định thúc đẩy tiến trình mới cho quan hệ song phương. Đây cũng là quan điểm được Tổng thống Nga, Vladimir Putin ủng hộ: “Giải pháp cho tất cả các vấn đề gai góc, bao gồm cả việc giải quyết xung đột Ukraine, đó là gia tăng sự tin cậy giữa Mỹ và Nga. Nếu không, đây là việc bất khả thi. Mục đích của cuộc gặp chính là để tăng cường sự tin cậy giữa hai nước. Với các bên liên quan khác, Nga chưa bao giờ từ chối tiếp xúc với châu Âu, chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine”.
Hai bên thu được nhiều kết quả cụ thể ngay trong cuộc gặp đầu tiên tại Ryiadh. Về mặt ngoại giao, Mỹ-Nga thống nhất sớm chỉ định Đại sứ mới tại hai nước, đồng thời tái lập phái đoàn ngoại giao với quy mô lớn sau nhiều năm bị thu hẹp vì các động thái trả đũa ngoại giao. Hai bên cũng đồng ý thành lập các đoàn đàm phán để giải quyết xung đột Ukraine. Mỹ-Nga cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề khác trong quan hệ song phương, từ hợp tác kinh tế (hợp tác triển khai các dự án năng lượng ở Bắc Cực), đến địa chính trị (điều phối mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác chính của Nga)… Theo giới quan sát, đây là yếu tố quan trọng khẳng định chính quyền mới tại Mỹ đã thay đổi toàn diện chính sách với Nga và cuộc gặp tại Ryiadh là về khung quan hệ mới giữa hai nước, chứ không phải chỉ vì xung đột Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio nhấn mạnh một khi các bất đồng được kiểm soát, hai bên có tiềm năng hợp tác to lớn về mọi mặt: “Có những cơ hội tuyệt vời để xây dựng quan hệ đối tác với Nga, về mặt địa chính trị trong những vấn đề mà hai bên có lợi ích chung, và mặt kinh tế trong những lĩnh vực có thể có lợi cho cả thế giới và có thể cải thiện quan hệ giữa hai nước trong dài hạn”.
Sự bất an của châu Âu
Việc Mỹ và Nga, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, phá băng quan hệ nhận được phản ứng tích cực từ nhiều bên, đặc biệt từ các quốc gia phương Nam toàn cầu, những nước đa số giữ quan điểm trung dung về xung đột tại Ukraine đồng thời luôn lo ngại về việc đối đầu Nga-phương Tây quanh điểm nóng Ukraine có thể vượt tầm kiểm soát, đe doạ hoà bình và an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, với các nước châu Âu, việc Mỹ-Nga tăng tốc định hình mối quan hệ mới đem lại nhiều bất an. Trong vòng 3 ngày, từ 17-19/02, các quốc gia châu Âu đã tổ chức liên tiếp hai cuộc gặp Thượng đỉnh mini tại Paris, Pháp, với sự tham gia của cả một quốc gia thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nằm ngoài châu lục là Canada, nhằm xây dựng chiến lược phản ứng với thực tế địa chính trị mới, nơi các nước châu Âu có thể đánh mất vai trò định hình cấu trúc an ninh tương lai tại châu Âu và không thể tác động đến việc giải quyết xung đột Ukraine.
Ông Trump (trái) và ông Putin (phải). Ảnh: Getty Images |
Theo giới quan sát, mấu chốt hiện nay là châu Âu đang phải đứng ngoài các cuộc đàm phán Mỹ-Nga và chưa thể xác định được chính sách thực sự của chính quyền mới tại Mỹ. Trong các cuộc họp khẩn cấp tại Paris, Anh và Pháp, hai quốc gia có năng lực quân sự mạnh nhất châu Âu, là hai nước ủng hộ kịch bản gửi lực lượng gìn giữ hoà bình châu Âu đến Ukraine nếu có các bên đạt được một thoả thuận hoà bình trong thời gian tới, xem đây là cách để châu Âu giữ được vai trò và có tiếng nói đối với chính an ninh của châu lục. Tuy nhiên, kịch bản này đang gây chia rẽ lớn trong nội bộ châu Âu và gặp sự phản đối mạnh từ Đức, Ba Lan, Italia…Một vấn đề khác với châu Âu, đó là hiện tại đa số các nước châu Âu vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Nga nhưng theo nhiều chuyên gia, về lâu dài, châu Âu khó có thể duy trì chính sách này nếu quan hệ Mỹ-Nga thay đổi. Bà Angela Stent, chuyên gia nghiên cứu châu Âu của Viện Brookings (Mỹ), nhận xét: “Một số chính phủ châu Âu có thể sẽ lựa chọn không tiếp xúc cấp cao với Nga nhưng điều này sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Câu hỏi đặt ra là nếu Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga thì châu Âu có thể giữ các lệnh trừng phạt của khối này với Nga bao lâu, khi đã bắt đầu có các thảo luận tại châu Âu về việc nhập khẩu lại khí đốt từ Nga khi quan hệ hai bên được cải thiện? Tôi nghĩ sẽ ngày càng khó cho châu Âu trong việc cô lập Nga”.
Nhằm ứng phó với bối cảnh bất định hiện nay, ngay đầu tuần tới (24/02), Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh, Keir Starmer sẽ cùng thăm Mỹ để hội đàm với Tổng thống Mỹ, Donald Trump, với mục tiêu cao nhất là giữ được trụ cột an ninh liên Đại Tây Dương trước các thay đổi chính sách hiện nay của Mỹ.