(VOV5) - Đối mặt với một Chính quyền Trump mới đang có lập trường cứng rắn, các nhà lãnh đạo châu Âu đang đánh giá và định vị lại sức mạnh của khối trong cuộc chiến dài hơi này.
Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đang có những rạn nứt nghiêm trọng, liên quan đến hàng loạt vấn đề. Chính sách thuế đối ứng mới mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố hôm nay (2/4), tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn giữa hai đồng minh vốn có nhiều năm dài nồng ấm.
Đối mặt với một Chính quyền Trump mới đang có lập trường cứng rắn, các nhà lãnh đạo châu Âu đang đánh giá và định vị lại sức mạnh của khối trong cuộc chiến dài hơi này.
Thuế quan và quân sự
Trong bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Truth Social của mình vào tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã gọi EU là một trong những cơ quan đánh thuế và áp thuế lạm dụng nhất trên thế giới. Tổng thống Mỹ thậm chí còn nói thêm rằng EU “được thành lập với mục đích duy nhất là lợi dụng Mỹ”. Tuyên bố này là lời nhắc nhở mới nhất rằng các cuộc chiến thương mại do Chính quyền Trump 2.0 khởi động chống lại Canada, Trung Quốc và Mexico bắt đầu lan sang châu Âu. Trên thực tế, mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực đối với EU vào ngày 12/3.
Không chỉ vấn đề kinh tế, chính quyền Trump 2.0 còn thách thức chủ quyền lãnh thổ của châu Âu bằng cách đe dọa sáp nhập Greenland (Đan Mạch). Ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên công khai rõ chủ đích thu phục đảo Greenland về cho nước Mỹ trong nhiều tuyên bố chính thức. Ông Donald Trump quả quyết là nước Mỹ sớm muộn rồi cũng có được đảo Greenland bằng cách này hay cách khác. Thậm chí, ông Donald Trump còn tuyên bố không loại trừ kịch bản Mỹ dùng vũ lực quân sự để giành quyền kiểm soát đảo Greenland. Các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị bất ngờ khi ông Donald Trump công khai chủ ý muốn có đảo Greenland về cho nước Mỹ. Cả Đan Mạch và Mỹ đều là thành viên của NATO. Mỹ xưa nay cam kết bảo hộ an ninh cho các đồng minh, trong đó có Đan Mạch và đảo Greenland thì bây giờ chính Mỹ lại công khai thách thức và đe dọa an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đan Mạch và đảo Greenland.
Bên cạnh đó, Mỹ đang có xu hướng gây sức ép với những người ủng hộ châu Âu để đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, rút lại một phần đáng kể các cam kết an ninh của Mỹ ở Châu Âu.
Khai thác các điểm yếu về kinh tế, công nghệ, chính trị và an ninh của châu Âu, dùng cả quân sự lẫn thuế quan làm vũ khí để đạt được mục đích của mình là cách chính quyền Mỹ đang thực hiện, nhằm khẳng định thế và lực của nước Mỹ.
Châu Âu cần nhanh chóng định vị sức mạnh của khối
Trong bối cảnh này, EU sử dụng cách thức như nào để cân bằng lại mối quan hệ, duy trì liên kết với Mỹ ra sao, trả đũa hay không…, thực sự là những câu hỏi lớn mà EU phải khéo léo tìm lời giải.
Trước tiên, cần đặt câu hỏi liệu châu Âu có thực sự nên đe dọa trả đũa hay không, sau đó là hành động như thế nào nếu Trump thực hiện lời đe dọa của mình. Về thuế quan, thực tế, cả 2 quốc gia ở Châu Mỹ là Canada và Mexico đã triển khai các biện pháp răn đe, cùng với nhượng bộ và ưu đãi, nhưng hiện vẫn phải đối mặt với các rào cản thuế quan mới đáng kể.
Trước thực tế đó, Châu Âu cần đánh giá lại sức mạnh của mình, sử dụng các biện pháp mới. Ví dụ, Công cụ chống cưỡng ép (ACI) có hiệu lực vào tháng 12/2023, cho phép Ủy ban châu Âu áp dụng các biện pháp đối phó khi hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) không có hiệu lực. Ngoài ra, EU cũng có thể sử dụng các tiêu chuẩn về nông nghiệp và môi trường để phân biệt đối xử với các sản phẩm của Mỹ. Có thể kể đến một số ví dụ, như: Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (các đạo luật và quy định nâng cao chất lượng thực phẩm), Chương trình giao dịch khí thải (ETS), quy định về đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hóa chất, quy định về Thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững, hạn chế quyền tiếp cận thị trường đối với các đối thủ cạnh tranh không phải từ châu Âu không đáp ứng được các tiêu chí về tính bền vững.
Bên cạnh thuế quan và thương mại, EU có thể áp dụng các “quân bài” khác về dịch vụ, sở hữu trí tuệ, kỹ thuật số; công nghệ. Ví dụ như các đạo luật kỹ thuật số mới cho phép EU siết chặt phần mềm và nền tảng trực tuyến của Mỹ; quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU áp đặt các quy tắc bảo vệ và quyền riêng tư nghiêm ngặt đối với quá trình xử lý và chuyển dữ liệu…Song song với đó, EU cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, như trợ cấp và cho vay lãi suất thấp, để giúp các ngành công nghiệp chiến lược dễ bị các nước bên ngoài tác động, xây dựng nguồn cung ứng thay thế và đảm bảo chuỗi cung ứng.
Cuối cùng, sức mạnh của châu Âu trong thời đại mới này phụ thuộc vào khả năng đoàn kết của khối, trở thành sức mạnh tập thể. Việc chuẩn bị các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ chống lại các chính sách bất lợi của Mỹ có thể có lợi cho sự ổn định mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong dài hạn.