TS Vũ Thị Minh Hương: Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là mảnh ghép quan trọng cho lịch sử âm nhạc thế giới

(VOV5) - Điều quan trọng nhất là nội dung của sưu tập sẽ đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam. 

Như tin chúng tôi đã đưa, ngày 10/4 vừa qua, tại Paris, Pháp, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhất trí ghi danh “Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân” của Việt Nam vào Danh mục Ký ức Thế giới.

Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của Việt Nam được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Đây không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại; là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả một dân tộc qua từng giai điệu.

TS Vũ Thị Minh Hương: Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là mảnh ghép quan trọng cho lịch sử âm nhạc thế giới - ảnh 1Nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh tư liệu

Trong chuyên mục này hôm nay, BTV Bảo Trang trò chuyện cùng Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Uỷ viên Ủy ban tư vấn quốc tế của Chương trình Ký ức thế giới UNESCO nhiệm kỳ 2024-2028, người đã góp phần quan trọng giúp hồ sơ “Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân” được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối (100%).

Nghe âm thanh chương trình tại đây:
 

BTV Bảo Trang: Được biết TS là 1 trong 14 thành viên của Ủy ban tư vấn quốc tế, Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Vừa rồi Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thế giới. Quá trình này chắc hẳn không hề đơn giản phải không, thưa TS?

TS. Vũ Thị Minh Hương: Trong chu kỳ 2024 – 2025 có 120 hồ sơ từ các quốc gia được trình lên UNESCO, được thẩm định qua 3 vòng. Khi các hồ sơ gửi đến thì đều phải qua Ban thư ký Chương trình ký ức thế giới của UNESCO xét duyệt vòng dầu tiên xem có hợp pháp và đảm bảo các tiêu chí của hồ sơ hay không. Đến vòng 2, các chuyên gia đến từ các quốc gia đại diện cho các khu vực trên thế giới tiếp tục phân công chấm từng hồ sơ. Tôi là 1 trong 14 chuyên gia của Ủy ban Tư vấn quốc tế do Tổng giám đốc UNESCO bổ nhiệm. Chúng tôi đã có 4 ngày ngồi trong Trụ sở của UNESCO để thẩm định. Tất nhiên đã có đề xuất của Ủy ban chấm hồ sơ nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện rà soát và cho ý kiến rất kỹ lưỡng từng hồ sơ một. Đặc biệt, ở đây đều là những chuyên gia về lịch sử, lưu trữ, tư liệu, khảo cổ của 14 quốc gia, 5 khu vực. Vì thế, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đối với các hồ sơ.

TS Vũ Thị Minh Hương: Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là mảnh ghép quan trọng cho lịch sử âm nhạc thế giới - ảnh 2TS Vũ Thị Minh Hương (đứng giữa) cùng 14 Chuyên gia Uỷ ban Tư vấn quốc tế về Di sản tư liệu của UNESCO trong phiên họp cuối cùng sau khi thẩm định các hồ sơ

BTV Bảo Trang: Điều được Ủy ban đánh giá cao nhất đối với hồ sơ Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là gì, thưa TS?

TS. Vũ Thị Minh Hương: Mặc dù chúng ta có thể được gửi 2 hồ sơ để xét duyệt, nhưng trong giai đoạn sau đại dịch covid-19, chúng ta chỉ có 1 hồ sơ đệ trình. Sau khi các chuyên gia đã thẩm định thì điều được đánh giá cao nhất là nhạc sĩ Hoàng Vân đã từng học tập tại Học viện Âm nhạc Bắc Kinh, và sau đó ông mang những kiến thức đó về Việt Nam đúng vào giai đoạn sau giải phóng. Lần đầu tiên Học viện Âm nhạc và Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã được thành lập. Và bản thân ông đã cống hiến đầy sung sức và sáng tác rất nhiều ca khúc.

Trong những sáng tác của Nhạc sĩ Hoàng Vân, chủ đề về người phụ nữ có 50 ca khúc, với nội dung về những người phụ nữ trong chiến tranh, trong lao động sản xuất... từ những cô gái Thái Bình đi cấy lúa, đến những nữ bác sĩ áo blue trắng...; hay những bài hát về thiếu nhi của Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng nhiều và rất hay. UNESCO đánh giá rất cao về giới và bình đẳng giới, nên những ca khúc đó cũng ghi điểm cộng cho hồ sơ này.

TS Vũ Thị Minh Hương: Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là mảnh ghép quan trọng cho lịch sử âm nhạc thế giới - ảnh 3Tác phẩm "Bài ca giao thông vận tải" của nhạc sĩ Hoàng Vân - Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Ngoài ra, khi nghiên cứu cụ thể về hồ sơ do gia đình Nhạc sĩ Hoàng Vân đệ trình, các chuyên gia đều nhận thấy nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác được rất nhiều thể loại, bao gồm ngành ca như Bài ca xây dựng, Bài ca người thợ mỏ...; hay những ca khúc về vùng miền đều để lại dấu ấn trong lòng người Việt Nam. Có thể gọi Nhạc sĩ Hoàng Vân là nhạc sĩ đại diện cho những người lao động.

Nhạc sĩ Hoàng Vân viết các tác phẩm âm nhạc rất phong phú về thể loại. Ông còn viết giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ quốc”, hay như bản giao hưởng “Hồi tưởng” đã được diễn ở rất nhiều sân khấu của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, năm 2018, trong dịp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu VN sang thăm và làm việc tại UNESCO thì bản giao hưởng “Hồi tưởng” đã được dàn nhạc Quê hương biểu diễn tại sân khấu chính của UNESCO. Qua đó, bạn bè quốc tế đã biết được Việt Nam có nhạc giao hưởng chứ không phải là không có như trước đây họ từng nghĩ. Các chuyên gia cũng nhận thấy và đánh giá rất cao trong các tiết tấu âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân có sự đan xen giữa âm nhạc Châu Âu và những tiết tấu của nhạc dân tộc Việt Nam. Khi nghiên cứu sâu vào những công trình này sẽ hiểu thêm được lịch sử âm nhạc Việt Nam. Đây cũng là mảnh ghép cho lịch sử âm nhạc thế giới mà cho đến nay vẫn còn là một khoảng trống.

TS Vũ Thị Minh Hương: Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là mảnh ghép quan trọng cho lịch sử âm nhạc thế giới - ảnh 4

BTV Bảo Trang: Thưa TS. Vũ Thị Minh Hương, tại sao lần này lại là Nhạc sĩ Hoàng Vân?

TS. Vũ Thị Minh Hương: Đây cũng là một câu hỏi mà nhiều người đặt ra. UNESCO khuyến khích cả các cá nhân, gia đình, dòng họ hay các cơ quan Nhà nước, Viện nghiên cứu, trường học... đều có thể xây dựng hồ sơ để trình UNESCO xem xét. Câu chuyện đối với gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân cũng rất tình cờ. Tiến sĩ Lê Y Linh là con gái của cố Nhạc sĩ Hoàng Vân, đã tốt nghiệp khoa Lý luận âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, sau đó sang Pháp làm luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Sorbone. Chị có quen một nhà nghiên cứu sử học và được nghe nói về chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Trong một chuyến về VN công tác, chị có viết thư và xin gặp Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. Giáo sư Lưu Trần Tiêu lại giới thiệu cho chị về tôi – một chuyên gia về di sản tư liệu, là người có thể giúp đỡ việc này. Câu chuyện bắt đầu từ đó.

Trong cuộc thẩm định hồ sơ tại Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia – bước đầu tiên sau khi hồ sơ được trình xem xét, thì Nhạc sĩ Cát Vận (khi ấy là Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam) đã phát biểu và nói rằng Việt Nam có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, đã để lại những tác phẩm để đời, vậy tại sao là Nhạc sĩ Hoàng Vân mà không phải một nhạc sĩ nào khác? Với tư cách là người phản biện cho hồ sơ này, tôi đã trả lời rằng: UNESCO không vinh danh cá nhân mà đây là vinh danh bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân. Bộ sưu tập với 700 đầu tư liệu vô cùng phong phú, thể hiện ở các dạng khác nhau như giấy, báo, ảnh, băng ghi âm, băng từ, file điện tử... Điều quan trọng nhất là nội dung của sưu tập sẽ đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam. Có thể có nhiều nhạc sĩ rất nổi tiếng nhưng lại không giữ được tư liệu, thì chúng ta cũng không thể xây đựng được hồ sơ để thuyết phục được Hội đồng Tư vấn Quốc tế của UNESCO. Với sự phát triển của Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam, và đặc biệt sau khi Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh và lan tỏa trong cộng đồng, thì tôi tin rằng sẽ còn nhiều nhạc sĩ khác hoặc gia đình các nhạc sĩ sẽ xây dựng hồ sơ để trình UNESCO.

TS Vũ Thị Minh Hương: Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là mảnh ghép quan trọng cho lịch sử âm nhạc thế giới - ảnh 5Nhạc sĩ Hoàng Vân

BTV Bảo Trang: Thiết nghĩ đó cũng là tác dụng quan trọng khi bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh bởi UNESCO. Bà có chia sẻ gì với các nhạc sĩ cũng như gia đình các nhạc sĩ khác, khi muốn chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO?

TS. Vũ Thị Minh Hương: Tôi nghĩ rằng các gia đình cần phải giữ tất cả những bản thảo, những tài liệu mình viết ra. Đó là ký ức của gia đình, là tài liệu lưu trữ của gia đình. Ngày hôm nay những tài liệu đó sẽ đóng góp cho ký ức của quốc gia mình, và có thể ngày mai sẽ đóng góp cho ký ức của Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và đi xa hơn nữa là đóng góp cho ký ức của thế giới, của nhân loại. Chính vì vậy, một lời khuyên của tôi là: “Hãy đừng bỏ gì đi. Hãy gìn giữ”. Đối với một nhạc sĩ, hay một họa sĩ cũng vậy, đối với 1 bản thảo, một tờ giấy bé nhỏ, một lá thư tay hay một đoạn trao đổi... tất cả sẽ là nguyên liệu để sau này chúng ta xây dựng một bộ hồ sơ, vì biết đâu một ngày nào đó nó sẽ trở thành di sản tư liệu thế giới. 
BTV Bảo Trang: Vâng xin cảm ơn bà!
 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác