(VOV5) - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đối với dải Gaza vẫn tạo nên những phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ, Donald Trump về việc Mỹ sẽ tiếp quản dải Gaza đang khiến tương lai của vùng đất này trở nên khó lường, trong bối cảnh cuộc xung đột từ hơn 16 tháng qua đã phá huỷ gần như hoàn toàn vùng lãnh thổ của 2,3 triệu dân Palestine.
Hôm 05/02, Tổng thống Mỹ, Donald Trump khiến cộng đồng quốc tế chấn động khi tuyên bố nước Mỹ sẽ tiếp quản và sở hữu dải Gaza. Động thái mới này có nguy cơ làm phức tạp hơn tình hình tại Gaza, trong bối cảnh cuộc xung đột tàn khốc kéo dài hơn 16 tháng qua tại vùng đất này vẫn chưa có được giải pháp bền vững.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 4/2. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN |
Tuyên bố tranh cãi
Theo tuyên bố do ông Donald Trump đưa ra và được các quan chức ngoại giao Mỹ giải thích rõ hơn sau đó, kế hoạch Mỹ tiếp quản dải Gaza xuất phát từ “thiện chí” của Tổng thống Mỹ, khi muốn hỗ trợ quá trình tái thiết vùng đất đã bị tàn phá nặng nề bởi cuộc xung đột bùng phát giữa Israel và phong trào Hamas từ tháng 10/2023. Ngoại trưởng Mỹ, ông Marco Rubio nhấn mạnh việc chính quyền Mỹ không có kế hoạch trục xuất vĩnh viễn thường dân Palestine khỏi dải Gaza mà chỉ là “tạm thời”. Người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt cũng cho biết Mỹ ít có khả năng triển khai binh sĩ tới đây.
Tuy nhiên, bất chấp các giải thích này, tuyên bố của Tổng thống Mỹ đối với dải Gaza vẫn tạo nên những phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Hôm 05/02, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres cảnh báo các bên liên quan phải tránh bất kỳ hành động nào có tính chất “thanh lọc sắc tộc” tại Gaza. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước đồng minh phương Tây của Mỹ, phản đối mạnh mẽ ý định Mỹ tiếp quản dải Gaza và khẳng định giải pháp bền vững duy nhất cho tiến trình hòa bình Trung Đông là “giải pháp hai nhà nước”, với nhà nước Palestine tồn tại song song trong hòa bình và an ninh cùng nhà nước Israel.
Theo giới quan sát, tuyên bố của ông Donald Trump là chưa từng có tiền lệ. Benjamin Radd, chuyên gia tại Trung tâm Quan hệ quốc tế Burkle của Đại học California, Los Angeles (UCLA) cho rằng tuyên bố này không phù hợp với bối cảnh thế giới hiện nay và đi ngược lại luật pháp quốc tế. James Gelvin, giáo sư lịch sử và là chuyên gia về Trung Đông tại UCLA, thì nhận định ý tưởng của ông Donald Trump không có cơ hội thành công do liên quan đến quá nhiều yếu tố về chủng tộc, văn hóa, pháp lý, an ninh… Trong khi đó, Brian Katulis, chuyên gia tại Viện Trung Đông (Mỹ), nhận xét ý tưởng của Tổng thống Mỹ là không nghiêm túc: “Tôi nghĩ gần như chắc chắn là chưa có kế hoạch nào sau tuyên bố này cả và nếu có thì nó cũng không có bất cứ liên hệ nào với thực tế hiện nay ở Trung Đông. Chắc chắn cũng chưa có sự tham vấn nào với người Palestine hay các quốc gia lân cận là Ai Cập và Jordan, những nước phản đối ngay bước đi đầu tiên trong kế hoạch của ông Donald Trump là di dời toàn bộ người dân Palestine ở dải Gaza sang các nước này”.
Rủi ro cho các bên
Dù đa số giới quan sát chia sẻ với nhau nhận định rằng kế hoạch Mỹ tiếp quản dải Gaza vấp phải nhiều rào cản pháp lý cũng như đi ngược lại với thực tế địa chính trị hiện nay tại khu vực, một số chuyên gia cũng cho rằng nếu Tổng thống Mỹ, Donald Trump nghiêm túc với kế hoạch này, sẽ rất khó có lực lượng nào có thể ngăn cản. Theo chuyên gia Benjamin Radd, nếu chính quyền của ông Donald Trump nhận được sự ủng hộ từ một số quốc gia Arab quan trọng, như: Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), kế hoạch có thể được triển khai nhằm biến dải Gaza thành một “Riviera của Trung Đông” như ông Donald Trump tuyên bố, tức là một khu vực được đầu tư mạnh mẽ để trở thành trung tâm tài chính, dịch vụ, du lịch quốc tế giống như vùng Riviera giáp Địa Trung Hải ở miền Nam nước Pháp và Bắc Italia. Điều quan trọng, đó là kế hoạch của Tổng thống Mỹ đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng phái chính trị tại Israel. Trong ngày 06/02, chính phủ Israel cũng đã ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị cho việc di dời thường dân Palestine khỏi dải Gaza.
Các diễn biến hiện nay tạo nên rủi ro cho tất cả các bên, đặc biệt với thường dân Palestine tại dải Gaza cũng như hy vọng về việc triển khai giai đoạn hai của lệnh ngừng bắn tại Gaza. Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ về tiếp quản Gaza, nỗ lực kéo dài lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin do Qatar làm trung gian hoàn toàn trở nên lu mờ. Ưu tiên của các nước Arab trong khu vực giờ đây cũng đang chuyển sang việc ngăn cản kế hoạch của Tổng thống Mỹ trở thành hiện thực. Theo Giáo sư James Gelvin, lo ngại của các nước Arab trước kế hoạch của Tổng thống Mỹ sẽ khiến cho các liên hệ ngoại giao trong khu vực, vốn đã mong manh, càng trở nên khó duy trì hơn: “Các quốc gia Trung Đông đang phản ứng mạnh mẽ. Saudi Arabia đã nói rõ họ muốn có giải pháp hai nhà nước trong khi Ai Cập và Jordan đã nhiều lần nói rõ họ không muốn nhận người tị nạn Palestine. Do đó, đối với thế giới Arab thì đây là điều không thể nhượng bộ”.
Đối với chính nước Mỹ, kế hoạch tiếp quản Gaza cũng có thể tạo ra nhiều rủi ro. Theo giới quan sát, để có thể tiếp quản hoàn toàn Gaza trong bối cảnh xung đột hiện nay, Mỹ sẽ phải triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn với hàng nghìn binh sĩ, khí tài để tuần tra, canh gác và sẵn sàng chiến đấu. Đây là điều mà Tổng thống Donald Trump từng nói với cử tri trong suốt chiến dịch tranh cử rằng ông muốn tránh. Bên cạnh đó, sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở Gaza có thể châm ngòi những cuộc đụng độ trực tiếp giữa họ với lực lượng Hamas hay Iran và các nhóm dân quân trong khu vực và có nguy cơ đẩy Mỹ vào một vũng lầy xung đột mới.