(VOV5) -... "Chúng ta cám ơn tất cả những gì đã nâng chúng ta lên đến sự thân tín này, phải không con?"
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thực tế đang diễn ra những trào lưu người Việt trong nước cho con đi du học, hoặc ngược lại trào lưu con cái của những người Việt ở nước ngoài, được giáo dục với văn hóa, lối sống nước ngoài nhưng lại quay trở lại làm việc, định cư tại Việt Nam. Cha mẹ và con và câu chuyện giáo dục như thế nào để giữ được bản sắc khi ở nước ngoài và trong cuộc sống hội nhập, là chủ đề mà không lúc nào hơn bây giờ người đọc quan tâm đặc biệt.
“Thư gửi con" và "Màu của nước" là hai cuốn sách đậm chất văn chương về vai trò giáo dục của người mẹ đối với con cái, do Nhà xuất bản Phụ nữ vừa phát hành.
Nếu như “Thư gửi con” là câu chuyện mềm mại của một người phụ nữ Huế định cư ở nước Đức nhưng vẫn giữ hồn cốt Việt trong việc nuôi dạy con gái, thì “Màu của nước” là câu chuyện đầy sóng gió của một người phụ nữ da trắng nuôi dạy 12 đứa con trong khu ổ chuột của người da màu.
“Thư gửi con” bao gồm những bức thư trong khoảng thời gian 1989 – 2000, mà tác giả người Huế ở Đức, Thái Kim Lan, đã viết bằng tiếng Đức từ những chuyến đi xa cho con gái sinh ra và lớn lên tại München. Năm 2012 những bức thư này lần đầu được dịch ra tiếng Việt và với sự đồng ý của người con gái đã trưởng thành, chúng được nhà xuất bản Thiện Tri Thứ tại TP HCM giới thiệu với bạn đọc. Năm 2017 Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản Thư gửi con trong hình thức mới có hiệu đính và bổ túc.
Nhà văn Lê Phương Liên kể lại, bà tình cờ gặp tiến sĩ triết học Thái Kim Lan năm 2012, chính trong lần ra mắt sách Thư gửi con đầu tiên. "Tôi sửng sốt trước cách viết cũng như cách cấu tạo một quyển sách mà tôi cho rằng rất hiếm có ở nước Việt Nam chúng ta. Có một câu thơ thế này: Nguyệt xuất kinh sơn điểu, một câu thơ của Vương Duy, tức là tôi như con chim núi tự dưng thấy ánh trăng thình lình xuất hiện sáng ngời lên, cảm thấy trong con người của mình có một sự sửng sốt, bừng tỉnh. Đấy là cảm giác của tôi khi đọc cuốn Thư gửi con. Và tôi có viết bài giới thiệu.
Lúc ấy thì công chúng chưa chú ý đến cuốn sách đó lắm, mặc dù cũng có được giới thiệu. Nhưng qua 5 năm, đến 2017 này cuốn sách đã được NXB Phụ nữ tái bản. Điều đó chứng tỏ cuốn sách đã có dư luận trong công chúng. Và những gì tác giải gửi gắm trong cuốn sách, thì cuộc sống của các chị em phụ nữ hiện đại đã bắt kịp những thông điệp được chuyển tới người đọc.
Đấy là một cuốn sách rất lạ, từ những bức thư, những tản văn và có một phần lời bạt của chính tác giả Thái Kim Lan viết. Chính cấu tạo của cuốn sách, đặc biệt phần lời bạt đã là hạt nhân tỏa sáng những tư tưởng của người viết. Tôi nghĩ rằng đấy là một cuốn sách độc đáo, chuyển tải những tư tưởng, tình cảm mà có lẽ các lớp độc giả Việt Nam còn phải đọc, còn phải bình luận nhiều năm nữa."
Sách gồm có 5 phần: Tự sự của người mẹ về hành trình nuôi con (lời nói đầu), những bức thư gửi con (gồm hai thứ tiếng Đức và Việt), những suy tư về tương quan Mẹ - Con (lời bạt của tác giả), tùy bút về những mẫu chuyện Mẹ - Con, điểm sách của các nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và Lê Phương Liên. Bài Chữ tình là chữ khởi đầu về sách Thư Gửi Con rất trân quý của cố Giáo sư Trần Văn Khê đã được nhà xuất đưa lên đầu sách như một dẫn nhập. Như giám đốc NXB Phụ nữ Khúc Hoa Phượng nhận xét: "Sự hài hòa kết hợp giữa Đông và Tây sẽ thấy rất rõ trong cuốn Thư gửi con này"
Về cuốn sách với những nỗi niềm người mẹ, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan kể lại: "Có một lần có một học giả khi đọc Thư gửi con của tôi đã nói: Tại sao chị hay lặp lại vậy? (cười) Lặp lại là một lỗi của văn chương. Sao cứ nói là yêu con, yêu con nhiều như vậy? Người đó nghĩ tôi đã làm một điều sai về văn chương. Nhưng tôi nghĩ nhiều người mẹ thương con mà nhiều khi không nói bởi vì nghĩ đó là điều quá tự nhiên, thành thử là sự hiểu ngầm giữa hai mẹ con mà thôi. Sự hiểu ngầm đó cũng hay và nó cũng diễn ra nhiều tâm sự khác nhau. Nhưng theo ý tưởng của tôi thì người mẹ cần phải bộ lộ tình thương đối với con nhiều chừng nào tốt chừng đó. Và có lẽ chính sự bộc lộ đó đã làm cho đứa con tin tưởng mình hơn một chút."
Từ trái qua phải: GS Thái Kim Lan, MC Ngọc Lan, Khúc Hoa Phương, dịch giả Nguyễn Bích Lan trong buổi nói chuyện tại Viện Goethe về sách và cách dạy con của những người mẹ. |
Câu chuyện về một người mẹ vĩ đại khác trong cuốn sách mà dịch giả Nguyễn Bích Lan mới hoàn thành, là cuốn "Màu của nước" của tác giả James McBridem cũng được NXB Phụ nữ giới thiệu trong dịp này. "Màu của nước" là cuốn tự truyện của McBride kể về người mẹ của chính ông, người đã chối bỏ tôn giáo Do Thái của mình để kết hôn với một người đàn ông da đen và nuôi dạy mười hai đứa con nhỏ trưởng thành và đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời. Như Giám đốc NXB Phụ nữ Khúc Hoa Phượng nói thì, người mẹ trong cuốn sách không chỉ soi sáng cuộc đời những đứa con, mà còn soi sáng cả tâm hồn người đọc: "Người phụ nữ ấy luôn dạy con rằng, tiền chẳng là gì cả nếu các con có một cái đầu rỗng tuếch. Chính câu nói của người mẹ như vậy đã tác động đến cả 12 người con, để sau đó khi trưởng thành, 12 người con đều có những chính kiến riêng của mình và đều sống hài hòa với thế giới."
Kể từ khi ra mắt vào năm 1995, "Màu của nước" đã trở thành một hiện tượng xuất bản với kỷ lục nằm trong danh sách Sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong suốt hơn 100 tuần, được coi là tác phẩm kinh điển của Mỹ. Cuốn sách cũng đã được trao giải thưởng Anisfield – Wolf Book năm 1997 cho tác phẩm văn học xuất sắc nhất, và là cuốn sách về mẹ mà Amazon khuyên mọi độc giả nên đọc.
“Màu của nước” cũng là cuốn sách dịch thứ 23 của Nguyễn Bích Lan - nữ dịch giả đặc biệt được yêu mến vì lòng khát khao sống một cách có ích đã giúp cô chia sẻ với bạn đọc rất nhiều cuốn sách hay, dù cô vẫn phải chiến đấu hàng ngày với căn bệnh nhược cơ nan y. Ấn tượng đặc biệt với cuốn sách về một người mẹ vượt qua mọi nghịch cảnh để dạy con nên người, dịch giả Nguyễn Bích Lan nói cô rất vui vì được chia sẻ những giá trị tốt đẹp mà cuốn sách mang đến. Cô thuật lại một chi tiết tác giả kể về người mẹ trong cuốn tự truyên xuất sắc này: "Hình ảnh đầu tiên mà mỗi buổi sáng ông nhìn thấy bà mẹ làm, là bà gục đầu mà ngủ ngay trên cuốn sách bài tập của một đứa nào đó trong 12 đứa. 2h đêm bà mới đi làm về, lúc ấy con ngủ hết rồi".
Những áng văn chương tuyệt vời về tình yêu thương và sự chia sẻ ấy, cho thấy những người phụ nữ tưởng chân yếu tay mềm có sức mạnh tiềm ẩn từ bên trong - sức mạnh của tình mẫu tử - để mỗi khi con cái cần trợ giúp, họ trở nên vững vàng, quyết liệt, gan dạ, sáng suốt, bất chấp nghịch cảnh.
Như một trích đoạn trong “Thư gửi con” của Thái Kim Lan: “Chính niềm tin cậy lẫn nhau khi chúng ta xa nhau là lí do và mục đích mà mẹ đã bao năm lặng lẽ tác thành và xây đắp cho chúng ta, nhưng lắm khi chính mẹ lại là người muốn quăng nó qua boong tàu trong những giờ yếu đuối, nếu con không đứng đó. Cho nên sự biết ơn là lời cần phải nói ra lúc này. Ừ, mẹ cám ơn con đã đứng đó cho mẹ nhìn, và mẹ cũng cám ơn mẹ đã chạy lui khóc như thế, chúng ta cám ơn tất cả những gì đã nâng chúng ta lên đến sự thân tín này, phải không con?”