(VOV5) - Từ ngày 9/4/2025, mức thuế "có đi có lại" cao hơn, từ 20% đến 54%, sẽ áp lên hơn 60 quốc gia, trong đó mức thuế áp với Việt Nam là 46%.
Trước thông tin Mỹ công bố chính sách thuế mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho hàng nhập khẩu và thuế đối ứng cao hơn cho hơn 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều quốc gia đã đưa ra những phản ứng đầu tiên, nhằm tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại sự kiện ở Vườn hồng, bên trong Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters |
Theo chính sách thuế mới, từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10%, sẽ được Mỹ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Ngoài ra, từ ngày 9/4, mức thuế "có đi có lại" cao hơn, từ 20% đến 54%, sẽ áp lên hơn 60 quốc gia, trong đó mức thuế áp với Việt Nam là 46%.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: VOV |
Với mức thuế này, hàng loạt ngành nghề của Việt Nam như đồ gỗ nội thất, dệt may, linh kiện điện tử hay thủy sản sẽ bị ảnh hưởng lớn. Hiện, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các hiệp hội ngành nghề, đã họp để đánh giá tình hình, lên phương án ứng phó kịp thời, trên tinh thần dành dư địa linh hoạt cho đàm phán. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận ở góc độ tích cực: “Có thể bị ảnh hưởng và đương nhiên có phản ứng. Tuy nhiên, không phải là quá lớn. Chúng ta nên nhớ rằng hiện nay, nhu cầu của người dân đối với hàng nội địa ngày càng tăng, đặc biệt khi kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng, niềm tin để tăng tiêu dùng.”
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước đã có những phản ứng đầu tiên với chính sách thuế mới này. Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ trả đũa các biện pháp thuế quan của Mỹ nhằm bảo vệ người lao động Canada.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho rằng các biện pháp thuế quan của ông Trump không có cơ sở logic và không phải hành động của một người bạn: “Thuế đối ứng của chính quyền Mỹ không có cơ sở và chúng đi ngược lại nền tảng quan hệ đối tác giữa hai nước. Đây không phải là hành động của một người bạn. Hành động của Mỹ ngày hôm nay sẽ làm gia tăng sự bất ổn trong nền kinh tế thế giới và làm gia tăng chi tiêu của các hộ gia đình tại Mỹ. Người Mỹ sẽ là đối tượng phải trả giá đắt cho chính sách thuế thiếu công bằng này.”
Mức thuế mà Mỹ áp dụng cho các hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, nhất là ô tô, ước tính gây thiệt hại cho kinh tế nước này 0,2% GDP. Kèm theo đó sẽ là hàng loạt hệ lụy về lao động, việc làm, an sinh xã hội. Bộ trưởng Hayashi Yoshimasa, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, nhấn mạnh: “Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục phân tích kỹ lưỡng nội dung và những ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ đối với Nhật Bản. Đồng thời sẽ tiếp tục yêu cầu một cách mạnh mẽ phía Mỹ thay đổi chính sách thuế hiện nay.”
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tuyên bố sẽ trả đũa một cách quyết đoán và cho biết châu Âu sẽ tự bảo vệ mình, hành động nhanh chóng, hợp lý và đoàn kết. Một số nhà lãnh đạo Châu Âu khác, như Thụy Điển, Italy, Ireland, Ba Lan…, cho biết không muốn một cuộc chiến thương mại. Bên cạnh việc tận dụng mọi cơ hội để đảo ngược các diễn biến này thông qua đàm phán, các nước sẽ cố gắng tìm cách đa dạng hóa các thị trường.