(VOV5) - Hội nghị năm nay sẽ chứng kiến sự trở lại gay gắt hơn của một chủ đề cũ: chi tiêu quốc phòng trong nội bộ NATO và trách nhiệm tài chính của các thành viên NATO tại châu Âu.
Hội nghị an ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 61 diễn ra từ 14-16/02 tại thành phố Munich, miền Nam nước Đức. Hội nghị năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt khi chính quyền mới tại Mỹ đang tiến hành một loạt động thái an ninh và ngoại giao quan trọng liên quan đến các xung đột lớn trên thế giới, đặc biệt là tại Ukraine.
Hội nghị An ninh Munich tập trung vào vấn đề xung đột ở Ukraine - Ảnh: securityconference.org |
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ dự MSC năm nay là Phó Tổng thống Mỹ, J.D Vance. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio và nhiều quan chức cấp cao Mỹ cũng có mặt tại châu Âu trong tuần này để thảo luận với các đồng minh châu Âu về nhiều chủ đề an ninh.
Bước ngoặt cho xung đột Ukraine
Hai ngày trước khi MSC 61 khai mạc, hôm 12/02, Tổng thống Mỹ, Donald Trump thông báo ông lần đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, Vladimir Putin để khởi động các cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột tại Ukraine. Điều đáng chú ý là Tổng thống Mỹ không hề tham vấn với các đồng minh châu Âu trước khi tiến hành điện đàm với phía Nga, đồng thời cũng chỉ thông báo cho Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky sau đó. Theo giới quan sát, động thái này của Tổng thống Mỹ, Donald Trump một mặt có thể tạo ra bước ngoặt quyết định giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua tại Ukraine, nhưng mặt khác, cũng khiến nhiều đồng minh châu Âu và cả Ukraine bất an khi có nguy cơ bị gạt sang một bên trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga.
Mối lo này ngày càng lớn hơn khi ông Donald Trump tuyên bố ủng hộ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Pete Hegseth trước đó trong cuộc họp hôm 12/02 với các Bộ trưởng Quốc phòng khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rằng ý tưởng Ukraine gia nhập NATO là “không khả thi” đồng thời việc Ukraine muốn tái lập lãnh thổ như trước năm 2014 là “không thực tế”. Theo ông Stephen Wertheim, chuyên gia của Viện Hòa bình Carnegie, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Pete Hegseth là một sự “nhượng bộ trước hiện thực” và điều này đặt các nước châu Âu trước các lựa chọn khó khăn. Trong phản ứng thống nhất đưa ra hôm 13/02, hầu hết các quốc gia châu Âu, bao gồm cả Anh, tuyên bố “sẽ không có giải pháp hòa bình lâu dài nào cho Ukraine nếu không có sự tham gia của châu Âu vào các cuộc đàm phán”.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva, bà Dovile Sakaliene, cảnh báo: “Hoặc là chúng ta rơi vào ảo tưởng rằng các ông Donald Trump và Vladimir Putin sẽ tìm ra một giải pháp cho tất cả chúng ta, và đó là một cái bẫy chết người. Hoặc châu Âu phải dùng sức mạnh kinh tế, tài chính, quân sự của chính mình để cùng Mỹ quyết định điều gì sẽ diễn ra ở châu Âu và ở Ukraine”.
Trong bối cảnh này, bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ, J.D Vance tại MSC năm nay được đặc biệt chờ đợi khi ông J.D Vance có thể trình bày rõ hơn quan điểm chính thức của chính quyền mới tại Mỹ đối với việc giải quyết xung đột Ukraine. Theo ông Volodymyr Ohryzko, cựu Ngoại trưởng Ukraine và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, các nước châu Âu và chính quyền Ukraine cần tận dụng tối đa các tiếp xúc cấp cao tại MSC nhằm thuyết phục chính quyền Mỹ ủng hộ các quan điểm của châu Âu: “Hiện nay Mỹ vẫn chưa có quan điểm cuối cùng, đó là điều rút ra từ tất cả những gì mà chúng ta đang chứng kiến. Do đó, tôi nghĩ vào thời điểm này, mục tiêu chính của đối ngoại Ukraine là phải thiết lập quan điểm này, hay chính xác hơn là giúp đội ngũ của ông Trump thiết lập quan điểm này”.
Sức ép với châu Âu
Bên cạnh các thảo luận liên quan đến kịch bản chấm dứt xung đột tại Ukraine, Hội nghị an ninh Munich năm nay chắc chắn cũng sẽ chứng kiến sự trở lại gay gắt hơn của một chủ đề cũ: chi tiêu quốc phòng trong nội bộ NATO và trách nhiệm tài chính của các thành viên NATO tại châu Âu. Trong lần gặp mặt đầu tiên với những người đồng cấp NATO trong hai ngày 12-13/02 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Pete Hegseth đã dội “gáo nước lạnh” vào những người vẫn hy vọng chính quyền mới tại Mỹ sẽ giữ vững các cam kết liên Đại Tây Dương khi tuyên bố “châu Âu không còn là ưu tiên an ninh hàng đầu của Mỹ”, châu Âu phải tự đảm trách sứ mệnh đảm bảo an ninh của châu lục này, trong đó có vấn đề Ukrane, đồng thời các nước trong NATO cần tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), như yêu cầu trước đó mà Tổng thống Mỹ, Donald Trump từng đề cập.
Tổng thư ký NATO, Mark Rutte - Ảnh tư liệu: THX/TTXVN |
Theo Tổng thư ký NATO, Mark Rutte, mức chi quốc phòng 5% GDP này là không thực tế trong điều kiện kinh tế hiện nay của nhiều quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên, phát biểu cuối tháng trước tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thuỵ Sỹ, quan chức đứng đầu NATO thừa nhận khối quân sự này đang trong tình trạng khủng hoảng vì vấn đề ngân sách quốc phòng. “Chúng tôi thực sự đang trong tình trạng khủng hoảng. Đầu tiên, đó là tiền cần phải chi nhiều hơn, nhanh hơn. Không phải mọi thành viên đều đã đạt yêu cầu chi 2% GDP cho quốc phòng, do đó chúng tôi phải hoàn tất việc này trong vài tháng tới chứ không thể đợi lâu hơn. Tiếp theo, chúng tôi cần phải nâng mức đóng góp. Con số chính xác sẽ có vào cuối năm nay nhưng nhiều khả năng cao hơn nhiều mức 2%” - ông nói.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch MSC, ông Christoph Heusgen, nhận định dù có ít khả năng Tổng thống Mỹ, Donald Trump rút toàn bộ quân Mỹ đồn trú tại châu Âu trong tương lai gần nhưng chắc chắn những người đóng thuế tại Mỹ sẽ không hài lòng nếu các quốc gia khác trong NATO không đóng góp nhiều hơn 3% GDP cho quốc phòng. Vì thế, về lâu dài, châu Âu chỉ có cách duy nhất là tự xây dựng năng lực bảo vệ an ninh cho chính mình, giảm lệ thuộc vào Mỹ.
Ngoài vấn đề đóng góp tài chính cho NATO, một chủ đề khác cũng có thể thổi bùng bất đồng giữa châu Âu và Mỹ tại MSC là kế hoạch tiếp quản Gaza của Tổng thống Mỹ, Donald Trump khi hầu hết các nước châu Âu đều phản đối mạnh mẽ kế hoạch này. Việc Mỹ muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch hay muốn sáp nhập Canada cũng là các chủ đề gai góc khác hứa hẹn tạo ra nhiều tranh luận tại Munich.