Đối ngoại Việt Nam năm 2025 đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(VOV5) - Với lợi thế “sức mạnh mềm”, đối ngoại Việt Nam thời gian tới tiếp tục khẳng định và lan tỏa hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, hoà hiếu, hợp tác, hữu nghị, phát triển. 

Phát huy những thành tựu đối ngoại ấn tượng của năm 2024, ngoại giao Việt Nam năm 2025 tiếp tục xác định vai trò tiên phong, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đồng thời, đưa đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới, qua đó, mở rộng không gian phát triển và kiến tạo những cơ hội mới cho các đột phá chiến lược của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2025 đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.

Năm 2025, Việt Nam xác định là năm “tăng tốc, bứt phá”. Vì vậy, ngoại giao Việt Nam, bên cạnh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác với tất cả các nước, các đối tác, tạo lập vị thế, cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng.

Ngoại giao kinh tế là động lực mới

Với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), 194 nước có quan hệ ngoại giao, hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã ký kết trên nhiều lĩnh vực, ngoại giao kinh tế năm 2025 tập trung triển khai các giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác. Qua đó, tăng thu hút đầu tư vào Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và nâng kim ngạch thương mại.

Đối ngoại Việt Nam năm 2025 đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 2 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan báo chí Việt Nam nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Tuấn Anh/ttdn.vn

Trọng tâm của ngoại giao kinh tế 2025 là nhận diện và tranh thủ cơ hội từ những xu hướng mới đang định hình kinh tế thế giới, như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; tạo lập được sự hợp tác sâu rộng với các trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới, bao gồm cả các quốc gia và doanh nghiệp, trong các lĩnh vực mang tính đột phá như công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, lượng tử… Đây là những động lực tăng trưởng mới mà Việt Nam đã xác định. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: “Thế giới đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học công nghệ… để bứt phá. Trong nước, với thế và lực mới sau gần 40 năm đổi mới và trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây là thời điểm “hội tụ” để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới. Để tận dụng tốt những thời cơ này, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục phát huy vai trò trên tinh thần hiệu quả hơn, sâu hơn, thực chất hơn, tư duy nhạy bén, sáng tạo hơn.”

Đối ngoại Việt Nam năm 2025 đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 3Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và đội ngũ nhà báo, biên tập viên, phóng viên tham dự cuộc gặp mặt. Ảnh: Tuấn Anh/ttdn.vn

Với các thị trường còn nhiều dư địa như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông – châu Phi, Trung Đông Âu, ngoại giao kinh tế 2025 thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal…đẩy mạnh triển khai các FTA đã ký kết, tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, tập trung tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật khi triển khai EVFTA, vận động các thành viên EU về Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, vận động Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đồng thời, ngoại giao kinh tế đóng vai trò kết nối, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt vươn ra thế giới.

Định vị Việt Nam trong dòng chảy của thời đại

Tiếp đà đóng góp của Việt Nam cho các vấn đề chung của thế giới, công tác đối ngoại đa phương năm 2025 tập trung chuẩn bị, tổ chức tốt các sự kiện mà Việt Nam đăng cai, tiếp tục đảm nhận các trọng trách, nhiệm vụ trong các tổ chức, diễn đàn đa phương, như: ASEAN, APEC, các cơ chế của Liên hợp quốc. Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm hơn vào các vấn đề chung, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng, thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững; tham gia sâu hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ cứu nạn, viện trợ nhân đạo...

Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời môi trường khu vực và quốc tế bên ngoài. Việt Nam cũng đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Trong quá trình đó, đối ngoại đóng vai trò quan trọng, định vị Việt Nam thuận lợi trong dòng chảy của thời đại và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phục vụ cho sự vươn mình của đất nước: “Yếu tố bảo đảm cho sự vươn lên của dân tộc là môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, hợp tác thuận lợi cho phát triển. Do đó, nhiệm vụ của đối ngoại là làm thế nào củng cố, giữ vững cục diện này vững vàng trước các biến động, tạo điều kiện cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Đối ngoại có thể đóng vai trò kiến tạo, động lực, mở ra các cơ hội mới cho đất nước vươn mình, kết nối nội lực với ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.”

Với lợi thế “sức mạnh mềm”, đối ngoại Việt Nam thời gian tới tiếp tục khẳng định và lan tỏa hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, hoà hiếu, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Đồng thời, duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước, tiên phong, đột phá trong thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác