(VOV5) - Tổng thống Mỹ, Donald Trump, hôm 27/03, tuyên bố mức thuế mới 25% đối với tất cả ô tô nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực từ 02/04.
Bất ổn thương mại, hiện đang có dấu hiệu gia tăng mạnh do xung đột thuế quan giữa nhiều nền kinh tế lớn, sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia, bối cảnh này sẽ khiến đầu tư toàn cầu giảm đáng kể trong năm nay.
Ôtô nhập khẩu được vận chuyển tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Tổng thống Mỹ, Donald Trump, hôm 27/03, tuyên bố mức thuế mới 25% đối với tất cả ô tô nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực từ 02/04, đúng như cảnh báo được chính quyền Mỹ đưa ra trước đó. Đây là động thái mới nhất trong các xung đột thương mại giữa Mỹ với nhiều đối tác kinh tế lớn trên thế giới, sau lệnh áp thuế với nhôm, thép từ châu Âu hay nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Canada, Mexico, Trung Quốc. Theo nhận định từ tổ chức nghiên cứu kinh tế Oxford Economics, việc gia tăng căng thẳng thương mại trên thế giới hiện nay, chủ yếu xuất phát từ chính sách thương mại của chính quyền Mỹ, sẽ buộc các doanh nghiệp tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), phải cắt giảm các kế hoạch đầu tư.
Trong báo cáo, ông Michael Saunders, Cố vấn kinh tế cấp cao, và chuyên gia kinh tế Daniel Harenberg cho biết hoạt động đầu tư đã yếu hơn rõ rệt trong năm nay, với mức giảm khoảng 4% ở Mỹ và Trung Quốc, và khoảng 2% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh. Năm 2023, đầu tư kinh doanh đạt mức tương đương 22% GDP tại Trung Quốc, 15% tại Mỹ, 12% tại Eurozone và 10% tại Anh. Mức sụt giảm như dự đoán nói trên sẽ tạo ra tác động đáng kể.
Chia sẻ nhận định này, chuyên gia kinh tế Philip Luck tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS), cho rằng cuộc chiến thuế quan hiện nay khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ và thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư: “Các mức thuế hiện nay khiến các ngành công nghiệp không có động lực đúng để thay đổi chiến lược đầu tư, mà khiến họ chần chừ, trì hoãn việc đầu tư. Đây là điều chúng ta đang chứng kiến trong giới đầu tư”.
Chuyên gia kinh tế Philip Luck tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS). Ảnh: CSIS |
Trong báo cáo, Oxford Economics xem xét bốn kịch bản có thể xảy ra để đánh giá tác động của bất ổn chính sách thương mại đối với đầu tư và nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, nếu bất ổn giảm nhanh và biến mất hoàn toàn vào cuối năm, đầu tư dự kiến sẽ phục hồi vào năm sau. Điều này có thể xảy ra nếu các mối đe dọa và đàm phán về thuế quan hiện tại chỉ đơn giản dẫn đến việc thiết lập lại một lần các mức thuế mới cao hơn, và không có thêm thay đổi nào nữa. Trong trường hợp này, mức giảm đầu tư hiện đang được dự báo tại Mỹ, Trung Quốc, Anh và EU sẽ được phục hồi vào năm sau và những năm tiếp theo.
Mặt khác, nếu việc tăng thuế quan trong thời gian tới kéo theo một giai đoạn bất ổn kéo dài, và tình hình chỉ dịu xuống vào năm 2028, thì theo các tác giả báo cáo, điều này sẽ gây ra thiệt hại kinh tế lớn hơn sau năm nay. Đầu tư có thể sụt giảm khoảng 10% ở Mỹ và Trung Quốc, 6% ở Eurozone và 4-5% ở Anh.
Kịch bản thứ ba và thứ tư đặt ra giả thiết bất ổn chính sách thương mại giảm dần xuống một mức vẫn còn tương đối cao, hoặc không giảm mà duy trì ở mức hiện tại cho đến cuối năm 2029. Nếu bất ổn duy trì ở mức cao trong vài năm tới, báo cáo nhận định việc này sẽ tạo ra một lực cản đáng kể đối với đầu tư toàn cầu, khiến đầu tư giảm 10-20% ở các nền kinh tế lớn trong vài năm. Theo Oxford Economics, kịch bản xấu nhất sẽ khiến đầu tư giảm 20% ở Trung Quốc, 14% ở Mỹ, 10% ở Eurozone và 7% ở Anh vào năm 2029. Khi đó, tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia, nhất là tại một số nước châu Âu như Đức, sẽ bị tác động đáng kể. Chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế IFO (Đức), Clemens Fuest, nhận định: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng và nền kinh tế của Đức, bởi nó tạo ra sự không chắc chắn. Các công ty sẽ tiếp tục đầu tư nếu họ nắm được các điều kiện tổng thể nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ điều đó”.
Ngay cả tại Mỹ, các lo ngại kinh tế cũng đang lớn dần. Báo cáo “Beige Book” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), công bố hồi đầu tháng 3, cho thấy doanh nghiệp Mỹ đang cảm thấy bấp bênh vì các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo chiến lược gia Joost van Leender của công ty Quản lý đầu tư Van Lanschot Kempen, kinh tế Mỹ có thể không rơi vào suy thoái nhưng gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại.