Nước Anh 5 năm sau khi rời Liên minh châu Âu

(VOV5) - Theo giới chuyên gia, ngày càng nhiều người dân Anh xem Brexit là một lựa chọn sai lầm.

Hơn 5 năm sau khi thực thi Brexit và chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các kỳ vọng của nước Anh về một nền kinh tế khởi sắc hơn và một sự tự chủ mạnh mẽ hơn trong các vấn đề an ninh, biên giới đang ngày càng trở nên phai nhạt.

Tháng 06/2016, đa số cử tri Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân, lựa chọn rời khỏi EU. Sau hơn 3 năm đàm phán căng thẳng, cuối năm 2019, Anh và EU ký thoả thuận Brexit và Anh chính thức rời khỏi EU từ ngày 31/01/2020. Đảng Bảo thủ, đảng cầm quyền tại Anh trong giai đoạn Brexit, hứa hẹn Brexit mở ra cơ hội lịch sử cho nước Anh, giúp nước Anh lấy lại chủ quyền quốc gia và xây dựng được một “nước Anh toàn cầu” (Britain Global) thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, 5 năm sau ngày thực thi Brexit, các thành tích kinh tế của nước Anh không như kỳ vọng.

Nước Anh 5 năm sau khi rời Liên minh châu Âu  - ảnh 1Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Trong báo cáo đưa ra nhân kỷ niệm 5 năm Brexit có hiệu lực, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sác Anh (OBR) ước tính Brexit khiến quy mô nền kinh tế Anh giảm 4% trong dài hạn (tương đương 100 tỷ bảng) và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 15%. Đáng chú ý, trái ngược với dự báo rằng những thiệt hại của Brexit sẽ kết thúc sau 5 năm, số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Anh vẫn đang chịu tác động đáng kể từ cuộc chia tay với đối tác thương mại lớn nhất vào ngày 31/1/2020. Theo OBR, chỉ có 40% tác động của Brexit được phản ánh thông qua nền kinh tế với sự sụt giảm trong thương mại Anh - EU, trong khi 60% vẫn chưa được cảm nhận.

Theo tổ chức “UK in a Changing Europe (Nước Anh trong một châu Âu thay đổi), Brexit tạo ra các rào cản phi thuế quan, như: các quy định phức tạp về thủ tục kiểm tra hải quan, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Anh (TCA), cũng như việc tuân thủ quy định kép của Anh và EU. Điều này gây tốn kém về chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang EU và làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của Anh.

Trong năm 2023, năm mới nhất có dữ liệu, có tới hơn 41 triệu tờ khai hải quan cho hoạt động thương mại Anh-EU, khiến xuất khẩu hàng hóa của Anh thấp hơn nhiều so với các nước giàu khác, chỉ tăng 0,3%/năm so với mức 4,2%/năm của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ông Anand Menon, Giáo sư về chính trị châu Âu và quan hệ quốc tế tại trường King’s College ở London (Anh), nhận định: “Đúng như dự báo, Brexit đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Anh, dù không hẳn là chính xác như những gì đã dự báo. Thương mại dịch vụ vẫn đứng vững nhưng thương mại hàng hóa và đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể”.

Nước Anh 5 năm sau khi rời Liên minh châu Âu  - ảnh 2Ông Anand Menon, Giáo sư về chính trị châu Âu và quan hệ quốc tế tại trường King’s College ở London (Anh). Ảnh: BBC/Archant

Việc rời khỏi EU cũng khiến sức chống chọi của nền kinh tế Anh suy giảm Theo Viện nghiên cứu kinh tế xã hội quốc gia Anh (NIESR), mặc dù tất cả các nền kinh tế đều chịu những gián đoạn toàn cầu, như: đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng Brexit tạo ra các rào cản làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế của Anh. Năm 2023, Anh là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chưa phục hồi mức tăng trưởng GDP trước đại dịch, trong khi các quốc gia EU hưởng lợi từ hoạt động thương mại nội khối và các nỗ lực phục hồi chung. Sự yếu kém về kinh tế trong 5 năm qua khiến cách nhìn nhận của người dân Anh đối với Brexit thay đổi rõ rệt.

Bà Catherine Barnard, Giáo sư Luật, Đại học Trinity College (Anh), nhận định: “Nói thật là người dân không còn hào hứng nữa. Nếu nhìn vào các cuộc thăm dò gần đây thì khoảng 57% người dân nói rằng họ sẽ bỏ phiếu tái gia nhập EU vào thời điểm này nếu được hỏi. Hiện có rất ít người cho rằng Brexit là điều đúng đắn. Trong đợt bầu cử vào tháng 7 năm ngoái, không có đảng phái nào muốn nói về Brexit, có lẽ vì đó rõ ràng không phải là một thoả thuận tốt để ăn mừng”.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng Brexit mang lại một số lợi thế nhất định cho nước Anh về thương mại. Ngoài một số FTA đã và sắp ký với một số đối tác (Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc…), Brexit còn giúp nước Anh tránh được việc chịu chung các rủi ro thương mại với EU, thể hiện tương đối rõ trong sự kiện Mỹ áp thuế đối ứng 20% với EU nhưng chỉ 10% với Anh. Chuyên gia thương mại Anh, ông Stephen Adams, nhận định hiệu ứng Brexit rõ ràng đã phát huy trong trường hợp này. Dù vậy, chuyên gia này cũng nhấn mạnh hiệu ứng này vẫn là quá ít so với các thiệt hại thương mại tiềm năng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác