(VOV5) - Theo giới quan sát, các thông điệp tích cực phát đi từ London giúp châu Âu giảm nhẹ phần nào tác động tiêu cực từ cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ-Ukraine hôm 28/02.
Đối mặt với những thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt của chính quyền Mỹ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nước châu Âu đang phải khẩn cấp xây dựng kế hoạch riêng đảm bảo an ninh cho Ukraine và cho chính châu lục này trong tương lai.
Hôm 02/03, nguyên thủ 16 nước châu Âu, Canada, cùng lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO và Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp Thượng đỉnh quốc phòng tại thủ đô London (Anh) nhằm thảo luận kế hoạch trợ giúp an ninh cho Ukraine và xây dựng năng lực quốc phòng tương lai cho châu Âu.
Lãnh đạo các nước tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu về vấn đề Ukraine, ngày 02/03/2025. Ảnh: EFE |
Châu Âu ở ngã ba lịch sử
Kết thúc các cuộc thảo luận đa phương và song phương tại London trong chiều tối 02/03, Thủ tướng Anh, Keir Starmer thông báo Hội nghị thống nhất được 4 điểm liên quan đến tiến trình giải quyết xung đột Nga-Ukraine, gồm: Duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine; Đảm bảo sự hiện diện của Ukraine trong các cuộc đàm phán; Châu Âu đặt mục tiêu ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào vào Ukraine trong tương lai; Thiết lập một "liên minh tự nguyện" để bảo vệ Ukraine và đảm bảo hòa bình lâu dài tại đây. Trước mắt, đối với mục tiêu đầu tiên là duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, Anh sẽ cấp cho Ukraine gói tín dụng xuất khẩu trị giá 1,6 tỷ bảng Anh (2,01 tỷ USD) mua hơn 5.000 tên lửa phòng không mới, được sản xuất tại Belfast (Bắc Ireland).
Về trung hạn, Anh, Pháp và các nước khác đã nhất trí hợp tác với Ukraine về một kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột, trong đó trọng tâm là các đề xuất về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu đến Ukraine để duy trì một lệnh ngừng bắn hoặc một thỏa thuận hòa bình, trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận này. Kế hoạch này dự kiến sẽ được các nước châu Âu hoàn tất trong khoảng thời gian từ 1 tuần đến 10 ngày, thông qua một loạt cuộc họp mới, và sau đó sẽ được gửi đến cho chính quyền Mỹ.
Thủ tướng Starmer phát biểu tại Nhà Trắng ngày 27/2. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Anh, Keir Starmer tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo chúng tôi đã nhất trí sẽ gặp lại nhau rất sớm để giữ tiến độ của các hành động hiện nay và cùng thúc đẩy kế hoạch chung này. Chúng ta đang ở ngã ba đường lịch sử và hiện tại không phải là lúc để nói mà là để hành động, để bước lên và tập hợp tất cả đoàn kết xung quanh một kế hoạch đảm bảo cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Một động thái đáng chú ý khác được Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron thông báo sau Hội nghị là việc đề xuất thực thi một lệnh ngừng bắn tạm thời trong vòng một tháng tại Ukraine. Theo Tồng thống Pháp, lệnh ngừng bắn này bao gồm việc chấm dứt tất cả các hành động quân sự trên không, trên biển và nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của các bên. Ngoại trưởng Pháp, Jean-Noel Barrot, cho biết: “Đây là tiền đề cho hòa bình vì lệnh ngừng bắn trên không, trên biển và vào hạ tầng năng lượng sẽ cho phép chúng tôi chứng nhận được thiện chí của Tổng thống Vladimir Putin, nếu ông ấy đồng ý với đề xuất này. Khi đó các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu bởi chúng tôi muốn có một nền hòa bình bền vững và lâu dài”.
Phản ứng trước kết quả của Hội nghị tại London cùng đề xuất từ phía các nước châu Âu, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng các nước châu Âu vẫn chưa thực sự đặt ưu tiên cho hòa bình và kế hoạch của châu Âu có nguy cơ kéo dài sự thù địch trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Thách thức hiện thực hóa cam kết
Hội nghị Thượng đỉnh tại London khép lại 1 tuần ngoại giao dồn dập và nhiều sóng gió của các nước châu Âu liên quan đến việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine và định hình cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu, bao gồm các chuyến thăm của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (24/02) và Thủ tướng Anh, Keir Starmer (27/02) đến Mỹ và đặc biệt là cuộc gặp căng thẳng giữa Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky với Tổng thống Mỹ, Donald Trump hôm 28/02 tại Nhà Trắng.
Theo giới quan sát, các thông điệp tích cực phát đi từ London giúp châu Âu giảm nhẹ phần nào tác động tiêu cực từ cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ-Ukraine hôm 28/02, đồng thời nâng cao khả năng châu Âu có được tiếng nói lớn hơn trong tiến trình giải quyết xung đột Nga-Ukraine, trong bối cảnh châu Âu vẫn đang lo ngại bị gạt sang một bên trong các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga.
Bà Bronwen Maddox, Giám đốc Viện nghiên cứu Chatham House (Anh), nhận định: “Liên minh tự nguyện có khả năng xoay chuyển mọi việc liên quan đến các động thái đàm phán hòa bình hiện nay. Tôi nghĩ việc thể hiện những cam kết đáng kể của châu Âu, của một số quốc gia châu Âu được lựa chọn, cho thấy châu Âu cần phải là một phần của các đàm phán hòa bình. Đây không phải là việc xin một ghế trong bàn đàm phán mà là việc châu Âu cần phải được trao ghế đó, vì những gì mà châu Âu có thể đóng góp”.
Vấn đề với châu Âu là tốc độ hiện thực hóa các kế hoạch đã đưa ra. Bên cạnh chủ đề an ninh liên quan đến Ukraine, một thách thức lớn khác được các lãnh đạo châu Âu thừa nhận tại London là yêu cầu tái trang bị khẩn cấp cho châu lục này trước nguy cơ Mỹ rút dần các cam kết an ninh với châu Âu. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, châu Âu phải nhanh chóng nâng chi tiêu quốc phòng và EC sẽ sớm trình dự thảo tháo gỡ các quy định của EU về mức thâm hụt ngân sách nhằm giúp các quốc gia tăng ngân sách quốc phòng, ở mức từ 3% đến 3,5% GDP mỗi quốc gia, như đề xuất của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron. Dự thảo này có thể được công bố ngay tại Thượng đỉnh EU trong tuần này (07/03) tại Brussels.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước EU đều ủng hộ kế hoạch này. Thủ tướng Hungary, Viktor Orban tuyên bố những quyết định được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra tại London, trong đó có nội dung tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, là “sai lầm và nguy hiểm”, đồng thời cảnh báo Hungary sẽ ngăn chặn việc EU gia tăng chi tiêu quân sự. Ngay cả việc xây dựng “liên minh tự nguyện” trợ giúp Ukraine cũng gặp nhiều thách thức khi một số nước, như: Italia, Đức, Ba Lan… đã công khai tuyên bố không tham gia, hoặc chỉ tham gia ở mức độ tối thiểu, kèm theo điều kiện có sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, điều mà cho đến nay châu Âu vẫn chưa thuyết phục được chính quyền của ông Donald Trump