(VOV5) - Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề của thực tiễn của đất nước.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, khai mạc sáng nay (12/02), tại Hà Nội. Tại kỳ họp lần này (từ ngày 12 – 19/02), Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách để phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới; cùng với đó là các vấn đề nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình quan trọng của đất nước.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tiễn, cũng như kịp thời, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Các nội dung quan trọng được xem xét, quyết định tại kỳ họp tạo điều kiện, tiền đề để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đảm bảo cho các cơ quan hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Tại kỳ họp lần này, 4 dự án Luật sẽ được xem xét, thông qua, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Việc sửa đổi các dự án Luật lần này nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc tiến hành sửa đổi, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ và Chính quyền các địa phương, đảm bảo cho các cơ quan này hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Cùng với đó, Quốc hội cũng xem xét, thông qua 05 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trong các dự án Luật lần này có Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã thể hiện được tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Chính phủ và địa phương. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết thường xuyên được đề cập trong thời gian qua. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: “Trên tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp và với tinh thần rõ trách nhiệm trong từng khâu quyết định chính sách, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định rõ ràng, minh bạch trong việc phân cấp, phân quyền, đặc biệt là: điều kiện để phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành… Điều kiện về phân cấp, phân quyền cũng được quy định rất rõ trong Luật.”
Trong khi đó, việc xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần này cũng có ý nghĩa quan trọng. Đây là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế. Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng: “Phải khẳng định việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là thể chế hóa tư tưởng đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Luật đã đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở tinh thần đổi mới của quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về số điều, đã giảm 58% số điều so với Luật hiện hành. Tôi hy vọng trong kỳ họp bất thường này, trên cơ sở thực tiễn tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đóng góp nhiều ý kiến để các cơ quan chức năng tiếp thu, trình Quốc hội dự án luật 1 cách hiệu quả nhất để chúng ta có 1 Luật ban hành luật, để từ đó có 1 hệ thống pháp luật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như phục vụ mục đích chung của đất nước.”
Khơi thông các nguồn lực
Những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 cũng được xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần này. Trong đó có: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận... cùng 1 số nội dung khác. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết: “Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội đề án về mục tiêu phát triển kinh tế đạt từ 8% trở lên. Trong đề án đặt ra rất nhiều giải pháp, từ thể chế chính sách, vấn đề đầu tư công, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực… Các nội dung đó đều phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, chẳng hạn, đối với dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, để phát triển kinh tế, sản xuất thì 1 trong những nhiệm vụ là chúng ta phải có đủ năng lượng. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển điện hạt nhân, cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhất. Ngoài ra, vấn đề về giao thông đô thị ở 2 thành phố là đầu tàu tăng trưởng của đất nước, đây cũng là điểm nghẽn. Để phát triển kinh tế, trước tiên, chúng ta phải đẩy nhanh phát triển đối với hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng ở 2 thành phố này. Do đó, cần có cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư công…”
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề của thực tiễn của đất nước và giải quyết được nguyện vọng của nhân dân, từ đó, tạo điều kiện, tiền đề để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.