Thúc đẩy tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia

(VOV5) - Việt Nam đặt mục tiêu khoảng 50 dự án giao thông được hoàn thành trong năm nay, trong đó có hàng loạt dự án lớn.

Để tạo đà bứt phá cho kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của đất nước, Việt Nam đang tập trung vào 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về hạ tầng được triển khai cấp thiết. Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm cao nhất từ người đứng đầu Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng thuận của người dân.

Thúc đẩy tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: baochinhphu.vn

Việt Nam đặt mục tiêu khoảng 50 dự án giao thông được hoàn thành trong năm nay, trong đó có hàng loạt dự án lớn, như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đường Hồ Chí Minh các đoạn qua một số tỉnh, thành.

Đối với lĩnh vực hàng không, các dự án trọng điểm như: Nhà Ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; hạng mục đường cất/hạ cánh dự án thành phần Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay.

Quyết liệt chỉ đạo từ Chính phủ

Tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.000km đường bộ cao tốc, đồng thời, phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm nay.

Ngay trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình công tác dày đặc, xuyên Tết, để đi kiểm tra nhiều công trình, dự án trọng điểm của quốc gia. Việc trực tiếp có mặt tại hiện trường, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng quan trọng của người đứng đầu Chính phủ đã đem đến khí thế, động lực và quyết tâm lớn cho ngành giao thông vận tải, đội ngũ các nhà thầu, công nhân, kỹ sư trên công trường, với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi". 

Tại buổi kiểm tra tiến độ dự án tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hôm 1/2 tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu: "Tôi đề nghị các tỉnh Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương ngay trong quý này phải xong các thủ tục kết nối con đường Đăk Nông đến Chơn thành. Đây là yêu cầu rất cấp bách. Tôi đề nghị phải thực hiện đúng chỉ đạo, lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm, tinh thần đã nói là làm, đã thực hiện là phải ra sản phẩm, chúng ta cần phải tăng tốc lên".

Thăm tiến độ công trình và làm việc với tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng cũng kiên quyết chỉ đạo trong năm nay, phải hoàn thành Sân bay Long Thành, không thể chậm hơn.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều chỉ đạo của Thủ tướng sau khi thị sát hiện trường các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trong thời gian qua. Trước đó, trong nhiều cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện để góp phần giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới…, là yêu cầu vô cùng cấp thiết hiện nay.

Phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các doanh nghiệp thành viên, nhà thầu, cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đảm bảo tiến độ gắn với chất lượng công trình, dự án. Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giao thông Phương Thành, khẳng định: "Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, cơ bản các gói thầu trên các tuyến cao tốc đều tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công, đảm bảo tiến độ. Đối với các dự án không phải phụ thuộc vào mặt bằng và vật liệu thì chúng tôi đang triển khai quyết liệt. Thuận lợi lớn nhất là Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới phát triển hạ tầng, dành nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội, tập trung thi công hàng loạt các dự án cao tốc, phấn đấu đạt mục tiêu".

Hưởng ứng chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc Bắc-Nam năm nay, đồng thời là địa phương có hơn 60km thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2021 – 2025, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất: "Trách nhiệm này của từng cơ quan và sẽ có sự điều tiết từ công trình này sang công trình khác nếu công trình kia không hoàn thành thì phải điều chuyển nguồn vốn. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng và với tinh thần quyết tâm cao, tiếp tục triển khai các dự án đã được thi công, không dừng".

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 được đưa vào thực thi sớm, trong đó có các quy định chi tiết về giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân tại các dự án lớn, được người dân đồng thuận, đóng góp quan trọng và thúc đẩy tiến độ các công trình.

Sau gần 40 năm đổi mới, hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Từ thời điểm không có tuyến đường cao tốc nào, đến nay, Việt Nam có hơn 2.000km cao tốc. Nhờ chủ trương, chính sách được khơi thông từ trên xuống dưới, nguồn vốn ngân sách luôn được bố trí, phân bổ cho các dự án giao thông một cách kịp thời, phù hợp, cùng sự sát sao, chỉ đạo quyết liệt sự quyết liệt từ Trung ương, mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc trong năm nay và 5.000km vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác