(VOV5) - Sự thay đổi ưu tiên của Thượng đỉnh năm nay cũng phản ánh những biến động lớn trong thế giới công nghệ AI toàn cầu thời gian qua.
Diễn ra trong hai ngày 10-11/02 tại thủ đô Paris, Pháp, Hội nghị Thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) chuyển hướng ưu tiên từ kiểm soát an toàn AI sang việc phát triển và chia sẻ các lợi ích mà AI mang lại, cũng như gia tăng hợp tác trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị bắt đầu tác động đến lĩnh vực công nghệ này.
Hội nghị Thượng đỉnh về hành động AI tại Paris là Thượng đỉnh lần thứ 3 ở quy mô toàn cầu liên quan đến công nghệ AI, sau các Hội nghị ở Bletchley Park (Anh) năm 2023 và tại Seoul (Hàn Quốc) trong năm ngoái.
Ưu tiên sáng tạo hơn an toàn
Khác biệt lớn nhất của Thượng đỉnh AI năm nay tại Paris so với hai Thượng đỉnh trước đó là sự chuyển dịch các ưu tiên thảo luận. Tại Thượng đỉnh AI tại Anh và Hàn Quốc, vấn đề an toàn AI là trọng tâm, thể hiện qua Tuyên bố Bletchley 2023 về an toàn AI và cam kết của hơn 16 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tại Seoul 2024 về tự nguyện phát triển AI một cách minh bạch, trách nhiệm và được giám sát. Tuy nhiên, tại Thượng đỉnh lần này, an toàn AI, dù vẫn là một chủ đề lớn, nhưng đã bị xếp dưới các ưu tiên về phát triển AI một cách đồng đều hơn, chia sẻ lợi ích mà AI mang lại công bằng hơn và gia tăng hợp tác AI ở quy mô toàn cầu trước nguy cơ phân mảnh công nghệ. Minh họa cho sự thay đổi ưu tiên này, nước chủ nhà Pháp đã đổi chủ đề ban đầu của Thượng đỉnh AI năm nay, từ “Thượng đỉnh về an toàn AI” sang “Thượng đỉnh về hành động AI”.
Giải thích cho cách tiếp cận mới, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron cho rằng châu Âu có thể tự hào về việc đi tiên phong trong xây dựng các quy định nhằm kiểm soát AI nhưng việc kiểm soát cần phải đi sau đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh châu Âu đang có dấu hiệu tụt hậu về công nghệ AI so với Mỹ và Trung Quốc. Với Mỹ, cường quốc dẫn đầu về AI, vấn đề an toàn AI cũng không còn là ưu tiên số 1 khi trong phái đoàn Mỹ dự Thượng đỉnh tại Paris không có các thành viên của Viện an toàn AI mà Mỹ lập ra cuối năm 2023.
Phó Chủ tịch Google, James Manyka ủng hộ sự thay đổi này. “Tôi nghĩ một trong những điểm thú vị của Thượng đỉnh lần này là việc quan tâm nhiều hơn đến các cơ hội mà AI mang lại. Thường có quá nhiều thảo luận về các rủi ro và sự phức tạp của AI mà lại không có đủ các thảo luận về cơ hội của AI”.
Sự thay đổi ưu tiên của Thượng đỉnh năm nay cũng phản ánh những biến động lớn trong thế giới công nghệ AI toàn cầu thời gian qua, nổi bật là sự xuất hiện của DeepSeek, một mô hình AI tạo sinh nguồn mở từ Trung Quốc, được phát triển với chi phí rẻ hơn nhiều so với các mô hình AI trước đây (như ChatGPT, Gemini, Mistral…) nhưng đạt hiệu quả tương đương.
Theo giới chuyên gia, DeepSeek mở ra nhiều cơ hội mới cho các quốc gia phát triển các mô hình AI linh hoạt hơn, giảm sự phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ lớn ở Silicon Valley (Mỹ) vốn có ưu thế vượt trội về nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực.
Giám đốc Khoa học Các chương trình ưu tiên quốc gia của Pháp, đồng thời là Giáo sư về AI tại Đại học Paris-Dauphine, ông Jamal Atif, nhận định: “Hiện tại chúng ta có các mô hình mã nguồn mở hoạt động tốt như các mô hình mã nguồn đóng, đó là điều hết sức thú vị. Trung Quốc và các thành viên của DeepSeek đã chứng tỏ rằng chúng ta có thể làm được, rằng chúng ta cần có các bộ óc xuất sắc, các tài năng. Đây là điều mà châu Âu có lợi thế bởi châu Âu có nhiều sinh viên tài năng, nhiều bộ óc xuất sắc và có các công ty khởi nghiệp thành công”.
Địa chính trị AI
Việc nhiều nguyên thủ, quan chức cấp cao từ hơn 100 quốc gia, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ, J.D Vance và Phó Thủ tướng Trung Quốc, Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing), tham dự Thượng đỉnh AI lần này tại Paris là dấu hiệu cho thấy một chủ đề lớn khác có thể chi phối các thảo luận tại Paris là tác động của căng thẳng địa chính trị hiện nay trên thế giới đến việc phát triển và hợp tác AI trên quy mô toàn cầu.
Theo Nick Reiners, chuyên gia phân tích địa công nghệ tại Eurasia Group, tập đoàn tư vấn về các rủi ro chính trị toàn cầu có trụ sở tại New York (Mỹ), khía cạnh địa chính trị của AI đang ngày càng trở nên phức tạp trong bối cảnh công nghệ nói chung đang là tâm điểm của cạnh tranh cường quốc, đồng thời các chính sách về công nghệ, đặc biệt là AI, từ phía chính quyền Mỹ đang vấp phải phản ứng từ nhiều quốc gia. Nick Reiners cho rằng việc Trung Quốc và Pháp năm ngoái cùng ký một Tuyên bố chung về AI cho thấy đang có những mối quan ngại chung nhất định giữa Trung Quốc và châu Âu đối với nỗ lực thống trị của các tập đoàn công nghệ Mỹ trong lĩnh vực này.
Vì thế, tại Thượng đỉnh lần này, các bên có thể sẽ gặp nhiều thách thức trong việc cùng ra được các cam kết và tuyên bố chung về hướng phát triển AI trong thời gian tới, nhất là trong các khía cạnh, như: tiếp cận mở với nguồn dữ liệu, AI phục vụ lợi ích cộng đồng, AI và môi trường bền vững… Lo ngại lớn hơn là các khác biệt về chính sách giữa các bên có thể dẫn đến sự phân mảnh công nghệ AI toàn cầu, khi các quốc gia ngăn chặn hoặc cấm các công nghệ của nhau. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron cảnh báo: "Tôi nghĩ việc cấm một công nghệ vì lí do nó đến từ một nước nào đó là không thích đáng. Đó không phải là cách tiếp cận của chúng tôi. Với tất cả các công nghệ trên thế giới mà không đến từ châu Âu, chúng tôi sẽ quan sát các khía cạnh nhạy cảm đối với an ninh và chủ quyền của châu Âu. Đó là điều mà chúng tôi đã làm về mặt công nghệ”.
Với châu Âu và nước chủ nhà Pháp, Thượng đỉnh AI lần này cũng là cơ hội để tạo sức bật về công nghệ cho khu vực trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Mỹ và Trung Quốc.
Ngay trước thềm Thượng đỉnh, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã thông báo các khoản đầu tư lên tới 113 tỷ USD vào các dự án AI tại Pháp trong vài năm tới. Đây là các khoản đầu tư đến từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Canada, Mỹ và một số tập đoàn công nghệ lớn của Pháp, như: Thales, Orange hay Illiad.